Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sau một ngày tranh luận, chiều 19/9, công ty Vedan VN phải ký nhận 10 nội dung vi phạm và phải đối mặt với mức phạt dự kiến 91 tỷ đồng. Ông Yang Kun Xiang, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty cũng xin lỗi vì những hành vi gây ra với môi trường 14 năm qua. >> Vedan cho rằng nước xả ra môi trường đạt tiêu chuẩn Theo biên bản xử lý vi phạm, Vedan đã có 10 vi phạm, trong đó đáng chú ý là việc xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 lần trở lên tại nhà máy bột ngọt, nhà máy tinh bột... Mỗi nhà máy của Vedan thải lượng nước thải từ 50 m3 đến dưới 5.000 m3 một ngày. Các thông số ô nhiễm của Vedan cao gấp hàng ngàn lần tiêu chuẩn cho phép như tại bể chứa chất thải 6.000 - 15.000 m3, thông số về màu vượt tiêu chuẩn từ 2.600 - 3.675 lần, COD vượt từ 195 đến gần 3.000 lần, BOD vượt từ 191 đến 1.157 lần... Ngoài ra, các chất thải nguy hại không được Vedan quản lý đúng quy định bảo vệ môi trường, thải mùi hôi thối khó chịu trực tiếp không qua thiết bị hạn chế ô nhiễm và xả nước thải vào nguồn nước không đúng vị trí với giấy phép được cấp. Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Hợp, đại diện Bộ Tài nguyên&Môi trường cho biết, với những sai phạm nghiêm trọng, Bộ đưa ra ba hình thức xử lý Vedan gồm: tước giấy phép xả nước thải xuống sông Thị Vải, kiến nghị tạm đình chỉ hoạt động của nhà máy và chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng điều tra. "Ngày mai, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiếp tục làm việc và xác định thêm những nội dung vi phạm của Vedan", ông Hợp nói. Theo kết luận của đoàn thanh tra, nhiều vi phạm của Vedan rơi vào khung xử lý hành chính ở mức cao nhất. Riêng mức phí và lệ phí môi trường từ cuối năm 2003 đến nay mà công ty này trốn tránh, theo tính toán sơ bộ đã lên tới hơn 90 tỷ đồng. Theo Đại tá Lương Minh Thảo, Cục phó Cục Cảnh sát Môi trường, vi phạm của Vedan là có tổ chức, có chỉ đạo. Cục cảnh sát môi trường sẽ nghiên cứu, củng cố hồ sơ để làm căn cứ khởi tố hình sự. Trao đổi với báo chí hôm nay, ông Yang Kun Xiang, Phó Chủ tịch HĐQT Vedan Việt Nam đã thừa nhận việc xả chất thải qua hai miệng cống ngầm trực tiếp ra sông Thị Vải và gửi lời xin lỗi vì những hành vi gây ra với môi trường. "Chúng tôi đã quản lý không tốt để phát sinh sự việc, gây bất bình cho dư luận nhưng hãy cho chúng tôi cơ hội để cải thiện. Chúng tôi mong muốn được làm ăn lâu dài ở Việt Nam", ông Yang nói. Theo ông Yang, những sai phạm vừa qua là do thiết bị xử lý nước thải của công ty chưa đáp ứng kịp công suất sản xuất. Ba hệ thống xử lý nước thải hiện có cũng chưa đạt tiêu chuẩn. Đến giữa tháng 10, công ty sẽ đầu tư thêm hệ thống xử lý nước thải và các thiết bị để tái chế chất thải thành tài nguyên. "Trước mắt để phù hợp với hệ thống xử lý nước thải hiện có và không làm ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ giảm sản lượng từ 10 đến 20 phần trăm", ông Yang nói.
Hệ thống xử lý nước thải của Vedan.
Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Vedan Việt Nam cúi đầu xin lỗi. Ảnh: Thiên Chương. |
Trước các câu hỏi về việc tại sao lại để sự việc xảy ra trong một thời gian dài, ông Yang cho rằng chính ông cũng không biết việc hai cống ngầm xả trực tiếp nước thải ra sông.
"Bản thân tôi chỉ biết hai ống ngầm này theo thiết kế ban đầu là để hút nước sông phục vụ sản xuất. Đây là một sai phạm phát sinh nghiêm trọng do chúng tôi quản lý chưa tốt", ông Yang nói.
Ông Yang trả lời chung chung về các câu hỏi Vedan sẽ bồi thường ra sao, ước tính lượng chất thải xả ra bao nhiêu vì cho rằng cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra tình trạng ô nhiễm trên sông Thị Vải.
Kiểm tra hệ thống nước thải của các nhà khác ở bên sông Thị Vải Theo giáo sư Đặng Đức Phú, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, hàm lượng chất hữu cơ trong chất thải từ nhà máy sản xuất bột ngọt, lysin, PGA là rất cao. Vedan phải chi rất nhiều tiền nếu muốn xử lý triệt để các chất hữu cơ trong dịch thải. Tuy nhiên, những loại chất hữu cơ này dễ bị phân hủy hơn nhiều so với những hóa chất trong nước thải của ngành dệt, giấy, phân bón bởi chúng chứa một số loại hóa chất có tính bền vững cực cao. Chính vì thế các cơ quan chức năng cũng phải kiểm tra hệ thống xử lý chất thải của các nhà máy giấy, phân bón, dệt… ở lưu vực sông Thị Vải. Ông Phú cũng cho rằng phát hiện hành vi xả nước thải ra sông hồ không phải là việc khó. Trước năm 1993, khi ngành y tế phụ trách lĩnh vực môi trường thì mọi vấn đề ô nhiễm có thể được đưa ra ánh sáng nhanh chóng bởi ngành y tế có hệ thống chi nhánh tới tận cơ sở. Mỗi khi có vấn đề liên quan tới sức khỏe người dân, các cơ sở y tế địa phương có thể lấy mẫu đất, nước, cây cỏ tại hiện trường rất nhanh chóng. |
(Theo VnExpress)