Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sông Tiền, sông Hậu bị bức tử

(00:01:30 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Dân đồng bằng Cửu Long bao đời nay được nuôi sống bởi phù sa của hai con sông Tiền và sông Hậu nhưng hai con sông này hiện bị ô nhiễm môi trường bởi chính bàn tay con người.

Dân đồng bằng Cửu Long bao đời nay được nuôi sống bởi phù sa của hai con sông Tiền và sông Hậu nhưng hai con sông này hiện bị ô nhiễm môi trường bởi chính bàn tay con người.

 

Người miền Tây có câu ca “Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Hiện nay, gạo Cần Thơ vẫn trắng nhưng nước sông Hậu, sông Tiền đục ngầu vì màu hóa chất của những nhà máy nằm trong các khu công nghiệp (KCN) chưa qua xử lý thải thẳng ra sông.

 

Hàng triệu m3 nước chưa qua xử lý

 

Thành phố Cần Thơ có năm khu công nghiệp (KCN) nằm cặp sông Hậu; gần 500 bè và ao cá trên sông, rạch và hầu hết các bệnh viện, cơ sở y tế đều chưa có hệ thống xử lý nước thải chung. Vì vậy mà mỗi ngày, hàng triệu m3 nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở này được tống thẳng ra sông Hậu.

 

Hút cát trên sông Hậu. Ảnh: Lê Hưng


Trước nhà ông Dương Văn Mười (Trưởng KV4, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy) là một cống thoát nước của KCN Trà Nóc đổ ra rạch rồi chảy ra sông Hậu. Ông Mười bức xúc: “Nhiều năm nay, dân ở đây chịu đủ mùi tanh của cá, mùi hôi thối của vỏ tôm, lông gà, vịt. Rạch Sang Trắng trước khi bị nước thải của KCN Trà Nóc đầu độc là nguồn nước sinh hoạt của bà con phường này. Đến nay, nước rạch bẩn đến mức không ngửi nổi thì làm sao sử dụng để ăn uống, giặt giũ được. Sức khỏe của người dân đang bị môi trường ô nhiễm đe dọa…”.

 

Thượng tá Lê Văn Chì, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Thành phố Cần Thơ, thừa nhận, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa xây dựng hệ thống xử lý nuớc thải cùng với các DN xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa đạt tiêu chuẩn tạo ra những dòng nước bẩn. Các KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải chung nên cuối cùng sông Hậu là nơi hứng chịu tất cả.

 

Theo ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Môi trường (Sở Tài nguyên&Môi trường Thành phố Cần Thơ), do công tác quy hoạch chưa đồng bộ nên hiện nay, các KCN trên địa bàn Cần Thơ đi vào hoạt động nhưng lại chưa có hệ thống xử lý nước thải. Trong khi nhiều DN vì lợi nhuận nên không xây dựng hoặc không vận hành hệ thống xử lý nước thải mà âm thầm đưa ra môi trường. Chỉ khi có đợt kiểm tra DN mới vận hành để đối phó,  nên tác dụng của hệ thống xử lý nước thải chưa phát huy được hiệu quả.

 

Giải cứu sông Tiền, sông Hậu trước khi quá muộn

 

Ngoài nguồn nước thải từ các KCN, sông Hậu đang bị nước thải từ các bè cá gây ô nhiễm. Theo thống kê của Sở Tài nguyên&Môi trường Cần Thơ, 100 phần trăm chủ hộ nuôi cá đều không xử lý nước thải.

 

Ông Kỷ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên&Môi trường Cần Thơ, khẳng định: “Đây là nguồn nước thải gây ô nhiễm lớn nhất cho sông Hậu. Nước thải từ các ao,bè nuôi cá có thức ăn thừa, phân cá, các loại thuốc xử lý đối với cá bị bệnh… Theo ông Vinh, cách nuôi cá ồ ạt, không theo một quy hoạch nào như hiện nay sẽ giết chết sông Hậu”.

 

Các nhà máy chế biến thủy sản góp một phần vào sự ô nhiễm sông Tiền, sông Hậu. Toàn khu vực hiện có 90 nhà máy, hầu hết đều đóng gần sông để thuận lợi trong việc vận chuyển và xả nước thải! Tại Đồng Tháp, phần lớn nhà máy nằm phân tán dọc sông Tiền, sông Hậu.

 

Bao năm qua tình trạng nước thải tuôn trực tiếp ra sông khiến người dân bức xúc. Nước thải từ khu công nghiệp Sa Đéc (Đồng Tháp) từng làm chết biết bao diện tích trồng màu, trồng hoa cảnh của những làng hoa nổi tiếng quanh đấy. Còn tại An Giang, hiện nay có hàng chục nhà máy chế biến thủy sản chưa đạt tiêu chuẩn nước thải công nghiệp.

 

Không chỉ ô nhiễm từ các KCN, nhà máy chế biến thủy sản, ngay cả việc trồng lúa thải ra một lượng lớn chất thải rắn, gây ô nhiễm môi trường. Theo kết quả quan trắc hàng năm ở ĐBSCL, các chỉ tiêu ô nhiễm đặc trưng gồm chất rắn lơ lửng SS, NH3, BOD5, COD, tổng Coliform trong nước ở các tuyến kinh rạch đều vượt quá tiêu chuẩn TCVN – 1995 nhiều lần.

 

Kết quả quan trắc một số điểm trên sông Tiền chất rắn lơ lửng (SS) trung bình 22mg/l (biến động từ 9 đến 38mg/l), hàm lượng ô xy hòa tan DO trung bình 3,97mg/l, Coliform trung bình vượt nhiều lần so với tiêu chuẩn môi trường. Chất lượng nước sông Hậu ô nhiễm nặng hơn về các chỉ tiêu chủ yếu như SS, NH3, riêng tổng Coliform vượt 136 lần so với tiêu chuẩn.

 

Điều đáng lo ngại là các thông số về ô nhiễm sông Tiền, sông Hậu năm sau cao hơn năm trước. Ông Lê Hoàng Việt, Phó Trưởng khoa Môi trường, Đại học Cần Thơ nói: “Cần phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung tại các KCN.

 

Vấn đề này không nên chậm trễ hơn nữa, vì tình hình ô nhiễm trên sông Tiền, sông Hậu ở mức nghiêm trọng. Nếu các cơ quan quản lý chần chừ, khi hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, chúng ta sẽ không kịp trở tay trước vấn nạn ô nhiễm. Khi đó, chi phí bỏ ra để khắc phục môi trưởng sẽ vô cùng lớn.

 

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Cách Tuyến, Phó Tổng Cục trưởng,Tổng Cục Môi trường, để bảo vệ sông Hậu, sông Tiền và các lưu vực sông lớn chảy qua nhiều tỉnh, nhiều quốc gia, TCMT đang kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập Ủy ban bảo vệ môi trường các con sông này. Đây là một giải pháp để kiểm soát tình trạng ô nhiễm trên các con sông. Hiện nay, mật độ phát triển công nghiệp của các tỉnh ĐBSCL chưa cao nên có thể chủ động trong việc phòng, chống vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cá địa phương cần đề phòng và chuẩn bị trước, không để có thêm những dòng sông chết vì ô nhiễm.

 

Theo báo cáo của Phòng Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên&Môi trường thành phố Cần Thơ), 95 phần trăm DN trong các KCN lập và thực hiện đánh giá tác động môi trường và 85 phần trăm các DN này xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Thế nhưng, trên thực tế tại các điểm xả nước của KCN Trà Nóc I và II ra sông Hậu, toàn bộ các họat động cam kết bảo vệ môi trường của DN chỉ là hình thức: nước thải đen như mực, đặc quánh, nổi váng và hôi, tanh khủng khiếp.

(Theo Báo Đất Việt)