Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Lúa chết, người bệnh
Vừa gặp chúng tôi, ông Lương Phước Triệu - Trưởng thôn Nghĩa Lập, liền than thở: “Chúng tôi bị tra tấn suốt ngày đêm các chú ơi! Cuộc sống sinh hoạt và ngay cả sức khỏe của chúng tôi luôn bị đe dọa bởi nhà máy này. Đấy, nhà ông Phạm Trường Sơn chỉ có 500m2 ruộng giờ mất trắng. Rác rưởi thì vung vãi khắp nơi, người thì đau ốm… Dân sống sao nổi?”.
|
Cảnh bừa bộn tại cơ sở tái chế nhựa ở thôn Nghĩa Lập. |
Bà Trần Thị Tín - một người dân trong thôn cho biết: “Họ xả thải thẳng ra môi trường mà không xử lý khiến nước trong hồ và cả giếng ăn của chúng tôi đen ngòm, hôi thối. Chẳng những không thể dùng vào việc nấu nướng mà khi tắm thì người sinh ghẻ ngứa, chẳng ai dám dùng. Mấy năm nay, mỗi ngày gia đình tôi đều phải đi mua bình nước về dùng cho việc ăn uống”.
Người dân còn cho biết, sức khỏe của rất nhiều người trong thôn đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đặc biệt người già và trẻ em mắc bệnh về hô hấp và đau đầu rất nhiều. “Những người sống gần nhà máy luôn phải đóng cửa vì không thể chịu nổi mùi khét và tiếng ồn. Thậm chí, lúc đi ngủ, chúng tôi cũng phải mang… khẩu trang. Hai con của tôi và nhiều đứa trẻ khác trong thôn đã mắc bệnh viêm xoang”- bà Nguyễn Thị Phượng, nhà đối diện cơ sở chế biến nhựa tái sinh nói với chúng tôi. Chị Hồ Thị Bé cũng cho biết: “Tôi đang mang thai nên tối nào cũng phải về nhà mẹ để ngủ vì không khí ở đây rất ngột ngạt, khó thở”.
Chưa thể kết luận ô nhiễm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà máy chế biến nhựa tái sinh nói trên là của ông Nguyễn Sỹ Hùng. Từ ngày thành lập (năm 2007), nhà máy này luôn hoạt động 24/24 giờ; mỗi ngày sản xuất khoảng 1 tấn hạt nhựa từ bao bì tái chế. Nhà máy có máy giặt, 1 máy băm và 1 máy nấu nhựa luôn hoạt động hết công suất. Cứ đến khoảng 18 giờ mỗi ngày, cơ sở này bắt đầu nấu nhựa nên đây cũng là khoảng thời gian mà người dân xung quanh bị “hành hạ” nhiều nhất do mùi khét cháy của nhựa. Quan sát cơ sở này, chúng tôi ghi nhận: Nước thải được xả ra bể chứa rồi xả thẳng xuống ruộng của dân.
Theo phản ánh của người dân trong khu vực, ngay từ khi cơ sở này ra đời, không thể chịu nổi sự ô nhiễm, họ đã làm đơn gửi cơ quan chức năng kiểm tra xử lý. Tuy nhiên từ đó đến nay họ vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hồi âm nào...
Ông Trần Hữu Thái - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Păk- cho biết: Mới đây, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và lập biên bản vi phạm hành chính đối với cơ sở này do vi phạm cam kết bảo vệ môi trường. Riêng nguồn nước và không khí có bị ô nhiễm hay không thì phòng không thể kết luận bởi… không có phương tiện đo đếm. Tuy nhiên, sắp tới phòng sẽ đề nghị Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh và Cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Còn ông Nguyễn Xuân Hưng- Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Păk cũng cho biết thêm: Tại thời điểm kiểm tra, ống khói của cơ sở này chỉ cao 5m, thấp hơn quy định 7m. Cơ sở này có xây 3 bể lắng lọc, tuy nhiên việc xử lý không triệt để.