Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Không nên dùng khẩu trang hoạt tính khi tham gia giao thông

(09:30:48 AM 17/08/2012)
(Tin Môi Trường) - Theo các chuyên gia, không phải loại khẩu trang nào cũng có thể ngăn được chất độc từ khí thải của các phương tiện giao thông. Đặc biệt, khẩu trang hoạt tính không nên dùng trong giao thông vì nguy cơ ô nhiễm ngược càng cao.

Khẩu trang hoạt tính ít tác dụng


Theo GS Phạm Ngọc Hồ, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, để phòng ngừa ô nhiễm giao thông người dân có thể hạn chế ra đường vào giờ cao điểm, đặc biệt là người nhạy cảm như trẻ em, người già. Khi ra đường nên đeo khẩu trang tránh bụi và khí độc.

 

"Khẩu trang sẽ giúp giữ lại các hạt bụi tránh tình trạng niêm mạc mũi không giữ hết, bụi chui sâu vào phổi. Còn các khí độc kích thước rất nhỏ dưới nanomet sẽ chui sâu vào và phá hủy hệ hô hấp. Tuy nhiên, tùy vào loại khẩu trang mới có khả năng trên", GS Phạm Ngọc Hồ cho hay. 

PGS.TS Phạm Văn Nho, Khoa Vật lý, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, chuyên gia nghiên cứu về khẩu trang phân tích: Đối với khẩu trang bằng vải thông thường có tác dụng ngăn bụi như tấm lọc cơ học nhưng tùy vào cấu trúc lớp vải. Nếu lớp vải dày, nhiều lớp sẽ có khả năng nhiều hơn. Tuy nhiên, loại khẩu trang này hoàn toàn không có khả năng ngăn khí độc. Khi dùng cần giặt thường xuyên để hạn chế vi khuẩn và bụi bám vào nhằm mục đích tránh tác dụng ngược lại.

Đối với khẩu trang hoạt tính, PGS.TS Phạm Văn Nho khẳng định, chất hoạt tính không có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, chất bẩn mà chỉ có tác dụng lưu giữ chúng lại dựa trên hai tính chất: Chất hoạt tính có độ xốp, chất bẩn muốn đi qua phải "lòng vòng" qua các lỗ hổng.

 

Tính chất ái lực của hoạt tính lúc này sẽ nhằm mục đích hút chất độc bị giữ lại các lỗ hổng, không cho chúng xuyên qua. Chính vì thế, khi sử dụng sẽ xảy ra tình trạng "đầy ứ" chất bẩn thì chất hoạt tính cũng mất tác dụng. "Điều đáng nói, vật liệu hoạt tính đưa vào khẩu trang không nhiều nên tác dụng lọc chất bẩn không cao. Đặc biệt, khẩu trang hoạt tính không được giặt, vì khi đó hoạt tính sẽ hút chất bẩn có trong nước làm mất tác dụng", PGS Phạm Văn Nho nhấn mạnh. 

Thay vào đó, người dân có thể dùng khẩu trang nano bạc hay TiO2 bởi chúng có tác dụng chống bụi, phân hủy khí độc cao hơn các loại khẩu trang khác. Đặc tính của chất nano là khi hấp thụ chất độc sẽ phân hủy chúng thành nước và khí CO2. Chất này cũng tồn tại lâu dài bằng cách người dùng chỉ giặt lớp vỏ bị bẩn còn lớp ruột giữ nguyên, PGS.TS Phạm Văn Nho phân tích.

 

Tùy từng loại khẩu trang mới có khả năng ngăn cản khí độc.

Tùy từng loại khẩu trang mới có khả năng ngăn cản khí độc.


Tắt xe khi gặp đèn đỏ để giảm phát thải chất độc

Theo PGS.TS Đồng Kim Loan, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội,  rất khó kiểm soát khí thải do phương tiện giao thông gây ra vì đây là nguồn phát thải di động. Để giảm bớt chỉ bằng hai cách là quản lý và kỹ thuật.

 

Quản lý như tuyên truyền các tác động, nguy cơ để người dân biết và tham gia nhiều hơn các phương tiện công cộng. Hướng dân người dân sử dụng xe có chất lượng tốt, được kiểm định hàng năm, không chạy quá số năm quy định là 15 hay 20 tùy loại. Với các loại xe chất lượng tốt đồng nghĩa động cơ đốt cháy nhiên liệu kiệt hơn, hơi xăng dầu ra ít... 

Tại các điểm dừng như đèn đỏ có số thời gian chờ trên 30 giây... nên tắt máy. Bởi nếu không tắt máy đồng nghĩa với việc xe chạy không tải, gió vào ít mà vẫn đốt nhiên liệu. Điều này vô hình chung khiến xe tốn nhiên liệu hơn, tỷ lệ xăng dầu chưa đốt kiệt cao tạo thành các chất độc nhiều hơn. Chất lượng đường cần cải tạo để xe đốt cháy kiệt nhiên liệu, ít tốn xăng. 

"Về kỹ thuật, Nhà nước nên khuyến khích tạo ra các chất xúc tác đốt cháy hết nhiên liệu, giảm phát thải gây ô nhiễm. Cải tiến hệ thống động cơ giảm phát thải NOx nhiệt. Cấm không nhập các loại xe động cơ hai thì. Tạo ra các bộ xúc tác làm giảm phát thải các khí thải độc dựa trên nguyên lý kết hợp chất NOx, các hợp chất chưa đốt cháy hết và CO2 thành chất cháy hết".


PGS.TS Đồng Kim Loan 

(Nguồn: Kiến thức)