Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
500.000 m3 nước thải mỗi ngày từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, y tế đang giết chết dần các dòng sông Hà Nội. Không những thế, những chất độc hại từ dòng nước ở các con sông này còn gây hậu quả chết người.
Thủ phạm góp phần làm chết dần các dòng sông là các khu công nghiệp (KCN), doanh nghiệp. Kết luận trên vừa được Bộ Tài nguyên&Môi trường (TN&MT) đưa ra sau khi kiểm tra trên diện rộng đối với bảy KCN, 127 cơ sở đang hoạt động trong KCN, bốn cụm công nghiệp (CCN) và 24 cơ sở đang hoạt động trong CCN, 7 làng nghề và 13 cơ sở đang hoạt động trong làng nghề, 55 cơ sở ngoài các KCN, CCN và làng nghề.
Cống đập Thanh Liệt xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Nhuệ. Ảnh: Trung Kiên
Những đại gia gây ô nhiễm
Tại KCN Nội Bài, cơ quan chức năng xác định Công ty TNHH United Motor Việt Nam mỗi ngày xả khoảng 300 m3 nước thải vào lưu vực sông Cầu với nhiều thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP) như hàm lượng Fe vượt 18 - 19 lần; Coliform vượt 21 lần; tổng P vượt 1,2 - 8,1 lần; Zn vượt 1,35 - 1,38...
Công ty này còn thực hiện không đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt như quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại (CTNH) không đúng quy định; không lập hồ sơ, đăng ký có phát sinh CTNH.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Công Thành, tại KCN Sài Đồng B có bốn công ty bị phát hiện có hành vi gây ô nhiễm môi trường, điển hình là Công ty Điện tử Hà Nội.
Ngày nào công ty này cũng vô tư xả ra sông Cầu Bây 2.000 m3 nước thải với các thông số ô nhiễm là BOD5 vượt 11,2 lần TCCP; SS vượt 1,9 lần, Fe vượt 3,02 lần; Coliform vượt 1.100 lần. “Phải hoàn thành xây dựng trạm xử lý nước thải trước ngày 31/12”,
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phát hiện tám cơ sở hoạt động bên ngoài các KCN gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Châu, Công ty TNHH Hải Hà - Kotobuki, Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Nội, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng&Thủy tinh Hà Nội, Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà, Xí nghiệp Cơ điện Hóa chất (Công ty Cổ phần Cơ khí 75), Công ty TNHH 3C, Công ty Cổ phần Cơ Kim khí.
Tất cả các công ty này đều xả nước thải hoặc nước thải có chứa CTNH vượt TCCP nhiều lần.
Nước thải chưa xử lý của các cơ sở sản xuất có thể gây những căn bệnh chết người.
Nguy hại từ làng nghề
Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), mặc dù mang lại những giá trị kinh tế đáng kể nhưng hoạt động của các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đã góp phần làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải không qua xử lý được thải thẳng ra mương, ra sông.
Kiểm tra bảy làng nghề và 13 cơ sở hoạt động trong làng nghề trên toàn lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, Bộ TN&MT phát hiện chỉ riêng tại Hà Nội có tới 10 làng nghề và cơ sở hoạt động trong làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Kết quả kiểm tra tại làng bún Phú Đô (xã Mễ Trì, Từ Liêm) cho thấy, mỗi ngày làng nghề này thải ra 120 m3 nước thải (vượt TCCP từ 10 lần trở lên) với các thông số ô nhiễm không kém các doanh nghiệp kể trên.
Cụm làng nghề Cát Quế - Dương Liễu - Minh Khai (thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội) mỗi ngày đóng góp hơn 8.600 m3 nước thải với các chỉ số ô nhiễm trên mức báo động.
Công ty TNHH Thương mại Dệt may Tín Thành (xã Dương Nội, Hoài Đức) xả 40 m3 nước thải một ngày nhưng hàm lượng cyanua (một hợp chất có độc tính cao) trong nước thải này vượt TCCP tới 115 lần.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Đặng Kim Chi (Phó Viện trưởng Viện Khoa học&Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội), các chỉ số gây ô nhiễm nói trên làm các con sông chết dần.
Dùng nước ở sông này làm nước ăn dễ gây ung thư. Trong khi đó, người sử dụng nước có chứa các kim loại nặng và chất hữu cơ khó phân hủy, các chất này sẽ tích tụ trong cơ thể, làm hỏng gan, thận, xương hoặc gây ra các hậu quả khác như làm suy giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư, sinh con quái thai, biến đổi gene...
(Theo Báo Đất Việt)