Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Vedan tại Bình Phước và Bình Thuận xả thẳng nước thải

(00:01:12 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Trong khi Vedan Việt Nam đang dính vào vụ bê bối giết sông Thị Vải thì một cơ sở sản xuất khác của công ty này tại tỉnh Bình Phước cũng có hiện tượng xả nước thải trực tiếp ra môi trường.

Nước thải của khâu xử lý sơ bộ nguyên liệu củ mì được đổ thẳng ra rạch thoát nước như thế này (ảnh chụp chiều 22-9) - Ảnh: Đông Kiểm

Trong khi Vedan Việt Nam đang dính vào vụ bê bối giết sông Thị Vải thì một cơ sở sản xuất khác của công ty này tại tỉnh Bình Phước cũng có hiện tượng xả nước thải trực tiếp ra môi trường.

 

>> Vedan tại Bình Phước cũng xả bẩn

 

Nhà máy bột mì của Vedan Việt Nam tọa lạc trên diện tích 80ha ở vùng đất đồi tại xã Bù Nho (huyện Phước Long, Bình Phước). Nhà máy có công suất khoảng 1.600 tấn mì nguyên liệu/ngày đêm (công suất cao nhất), đồng thời phát sinh một lượng nước thải rất lớn, hàng nghìn mét khối mỗi ngày.

 

Rạch thoát nước bốc mùi hôi thối

 

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đến điểm xả thải cuối cùng của Nhà máy bột mì Vedan Việt Nam tại Bình Phước. Đó là nơi tiếp giáp giữa rạch thoát nước của nhà máy và suối Cụt. Nước thải của nhà máy đổ ra suối này, được dẫn về suối Rạt và hòa vào dòng nước sông Bé.

 

Nhiều người dân sinh sống ở đây phản ảnh một hiện tượng khá bất thường: cứ có một cơn mưa ập xuống là mùi chua, thối của tinh bột mì bị phân hủy bốc lên nồng nặc. Chúng tôi tiến lại sát con rạch sâu hoắm, bên dưới là dòng nước đục ngầu cứ liên tục đổ thẳng vào suối Cụt. Mùi chua, hôi thối thốc lên mũi.

 

Cách điểm cuối cùng của con rạch khoảng 50m về phía thượng nguồn là điểm xả thải từ hệ thống các hồ sinh học của nhà máy. Tại thời điểm chúng tôi tới, không có một giọt nước nào chảy từ các hồ sinh học đổ vào con rạch thoát nước, nhưng dòng nước chua, thối từ con rạch thoát nước vẫn cứ chảy cuồn cuộn đổ ra suối Cụt.

 

Chúng tôi tiếp tục men theo con rạch nhỏ về phía thượng nguồn, nhiều đoạn bị cỏ che phủ không còn nhìn thấy bên dưới. Đến đoạn giữa mới cảm nhận được con rạch dẫn nước thải này đã có từ lâu. Bởi lẽ nếu chỉ là rạch thoát nước mưa thôi sẽ không có cặn bã của chất thải, xác bã mì bám đầy cây cỏ dọc hai bên bờ rạch. Bề mặt của rạch sủi bọt xèo xèo, tạo thành lớp váng tinh bột mì bị phân hủy, nhìn chẳng khác nước thải được chứa trong các hồ của nhà máy.

 

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo nhà máy cho rằng làm gì có mùi chua, thối tại khu vực tiếp giáp với suối Cụt. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo nhà máy đích thân cùng chúng tôi đến khu vực này và trực tiếp nghe người dân nói về mùi hôi thối của con rạch. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà máy vẫn cho rằng đó là mùi hôi thối của bùn và lá cây rụng xuống con rạch.

 

Xả công khai nước thải không qua hệ thống xử lý

 

Trong một diễn biến khác, cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đã kiểm tra vấn đề môi trường tại Nhà máy bột mì Vedan. Trên thực tế có một lượng lớn nước thải sản xuất của nhà máy chỉ được lắng lọc sơ bộ và xả thẳng ra con rạch dài hàng kilômet rồi đổ ra suối Cụt. Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính đối với nhà máy, lấy mẫu nước thải phân tích, hiện đang trong quá trình xem xét để có kết luận xử lý.

 

Dù vậy, lãnh đạo nhà máy vẫn khăng khăng đó chỉ là nước thải từ khâu rửa bùn đất của củ mì nên không có lẫn chất ô nhiễm, không cần phải đưa vào hệ thống xử lý. Điều này trái ngược với một số thông tin tại báo cáo giám sát chất lượng môi trường sáu tháng đầu năm 2008 của nhà máy, do chính nhà máy thuê đơn vị tư vấn xây dựng.

 

Theo đó, nhà máy có hai loại nước thải: nước rửa củ mì và nước thải sản xuất tinh bột thường. Phân tích thành phần các chất ô nhiễm trong nước rửa củ mì cho thấy COD (nhu cầu oxy hóa học) hơn 2.000mg/lít, BOD (nhu cầu oxy sinh học) hơn 1.600mg/lít, tổng chất rắn lơ lửng hơn 1.000mg/lít… Nồng độ các chất ô nhiễm này vượt quá xa so với tiêu chuẩn cho phép thải ra môi trường. Không lẽ nước rửa củ mì chỉ lẫn bùn đất lại có nồng độ các chất ô nhiễm cao đến như vậy?

 

Trong sơ đồ quy trình công nghệ được nêu trong báo cáo giám sát môi trường của nhà máy (được gửi đến Sở Tài nguyên&Môi trường tỉnh Bình Phước) cũng cho thấy nước thải của hệ thống làm sạch, bóc vỏ nguyên liệu và nước thải từ hệ thống vắt ly tâm đều được đưa về hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp vi sinh.

 

Nhưng trên thực tế, tại nhà máy có một hệ thống cống dẫn nước thải của khâu rửa nguyên liệu đổ thẳng ra con rạch (theo lãnh đạo nhà máy, đây là con rạch chủ yếu để thoát nước mưa). Lượng nước thải này không qua hệ thống xử lý như thể hiện trong quy trình công nghệ được nhà máy báo cáo với cơ quan chức năng!

 

Giới chuyên môn đang lưu ý một vấn đề không thể không quan tâm. Đối với củ mì nguyên liệu để sản xuất tinh bột mì, trong lớp vỏ có chứa một lượng cyanure và đây là nguồn gây ô nhiễm rất độc hại nếu không được xử lý đạt yêu cầu.

 

Không rõ cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước có biết việc Nhà máy bột mì Vedan Việt Nam xả nước thải sản xuất ra môi trường, không qua hệ thống xử lý? Mãi đến ngày 23/9 sự việc mới được đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính. Theo lãnh đạo nhà máy, trước đó Sở Tài nguyên&Môi trường tỉnh Bình Phước đã ký văn bản “thống nhất với các nội dung của báo cáo giám sát chất lượng môi trường định kỳ sáu tháng đầu năm 2008 của nhà máy”!  

 

Xả nước bùn trước mũi đoàn kiểm tra

 

Ngày 25/9, đoàn kiểm tra Bộ Tài nguyên&Môi trường công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra về những vi phạm của Vedan, sau hơn ba tuần làm việc khẩn trương. Dù những sai phạm của Vedan đều được đoàn đưa ra kèm theo chứng cứ hết sức thuyết phục, thế nhưng phải đến 22h00 cùng ngày, lãnh đạo công ty này mới chịu đặt bút ký vào biên bản.

 

Theo đó, ngoài những sai phạm mà đoàn đã phát hiện trước đó, báo cáo mới này cho thấy đoàn đã phát hiện thêm hai hành vi sai phạm khác của Vedan. Cụ thể là hành vi ngụy trang trong việc thiết kế, lắp đặt hệ thống đường ống để xả thải trực tiếp ra vị trí cầu cảng (số 1 và 2) và hành vi không khai báo, nộp phí xả dịch thải sau lên men. Ông Lương Duy Hanh, trưởng đoàn kiểm tra, cho biết vì hai hành vi này vượt quá quyền hạn xử lý, nên đoàn sẽ báo cáo bộ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường xem xét xử lý. 

 

Cũng theo báo cáo mới nhất của đoàn công tác, kết quả phân tích mẫu tại trại chăn nuôi heo của Vedan và bãi chứa nguyên liệu cho thấy hàm lượng độc tố vượt khá cao 5-10 lần, với khối lượng xả thải khoảng 50m3/ngày.

 

Tại xưởng kết tinh lysin, khối lượng dịch thải sau lên men khoảng 80.000m3/tháng (trước đó Vedan thừa nhận khối lượng này chỉ 19.200m3). Qua khai nhận của người phụ trách hệ thống này, toàn bộ dịch thải trên đều được vào bể bán âm không qua hệ thống xử lý. Vì vậy đoàn kết luận khối lượng dịch thải này chắc chắn sẽ đưa ra sông Thị Vải. Đoàn thống kê sơ bộ khối lượng thải của hệ thống này từ tháng 1 đến ngày 23-9-2008 là gần 600.000m3.

 

Bất ngờ hơn, sáng 25/9, đoàn phát hiện tại xưởng PGA (sản xuất tinh bột), một công nhân của công ty đang vận hành máy bơm nước thải bùn lắng từ tám hồ bán âm ra hệ thống mương giải nhiệt. Sau đó lượng nước này theo mương (lộ thiên), chảy ra hồ đất rồi xả ra rạch Nước Lớn mà không qua xử lý.

 

Ngay sau đó đoàn đã mời công nhân Nguyễn Văn Minh, người phụ trách việc bơm nước bùn, để lấy lời khai. Anh Minh cho biết trung bình mỗi ngày đã cho máy bơm nước bùn ra ngoài khoảng tám giờ với lượng nước thải ra khoảng 800m3/ngày. Cũng theo lời khai của Minh, việc bơm nước thải bùn này vẫn được Minh thực hiện đều đặn mỗi ngày, kể cả những ngày có đoàn kiểm tra làm việc tại nhà máy.

 

Theo ông Lương Duy Hanh, theo quy định, nước bùn này cũng phải qua xử lý trước khi xả thải. Làm việc với lãnh đạo Công ty Vedan, ông Hanh nói việc xả thải này chắc chắn đã vi phạm nhưng vi phạm như thế nào và trong nước bùn này có những độc tố gì thì phải chờ kết quả phân tích mẫu nước. Sau khi đoàn kiểm tra, tính toán sẽ đưa ra mức phí mà Vedan phải nộp cho hệ thống nước thải này. Cũng theo đoàn kiểm tra, theo thống kê sơ bộ, hiện tổng khối lượng dịch thải sau lên men Vedagro tồn trong nhà máy là khoảng 20.500m3.

 

Về một số thông tin cho rằng hai người vận hành hệ thống xả nước thải đã bỏ trốn, Vedan đã nộp hồ sơ thiết kế hệ thống nước thải và việc cơ quan chức năng cấm lãnh đạo Vedan xuất cảnh, đoàn kiểm tra khẳng định không có chuyện đó.

 

Vedan Bình Thuận gây ô nhiễm sông Phan


Vừa khai trương Nhà máy chế biến tinh bột mì ướt Vedan Thuận đã gây ô nhiễm, nhiều đoạn ống xả ra sông không biết đâu là nước thải nhà máy, đâu là nước thải sinh hoạt.

 

>> Nhà máy bột mì Vedan tại Bình Phước xả thẳng nước thải 

 

Nhà máy chế biến tinh bột mì ướt Vedan đặt tại xã Tân Lập, Hàm Thuận Nam, được tỉnh Bình Thuận, chấp thuận đầu tư từ năm 2003. Nhà máy nằm cặp theo sông Phan. Phía hạ lưu có hàng ngàn người Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi sinh sống sinh hoạt từ nguồn nước này.

 

Khai trương nước thải

 

Tháng 2/2004, khi đang còn trong quá trình lắp đặt thiết bị, nhà máy này đã nhập khoai mì về chạy... thử dù các cơ quan có chức năng chưa chấp thuận. Hậu quả là từ ngày 10 đến 13/2/2004, chỉ sau ba ngày chạy thử, nước thải được xả thẳng xuống sông Phan khiến tôm, cá chết nổi sông. Lần đó, trả lời PV, ông Choong Nam Sanh - lúc đó là quản lý dự án (hiện là quản đốc nhà máy) - thừa nhận tại hồ chứa mủ có xảy ra rò rỉ nhưng lượng nước chỉ chảy ra xung quanh chứ không chảy ra sông.

 

Nhà máy bị Sở Tài nguyên&Môi trường (TN&MT) Tỉnh Bình Thuận buộc ngưng hoạt động, đến 1/12/2004 được cho phép hoạt động trở lại và chỉ sau 26 ngày hoạt động, mùi xú uế của nước thải đã lên men phát tán khắp nơi khiến người dân trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra và kết luận sau 26 ngày, nhà máy này sử dụng hơn 3.600 tấn nguyên liệu.

 

Kết quả phân tích về ô nhiễm không khí lấy từ một nhà dân cách nhà máy 200 m, chỉ tiêu NH3 (amoniac) vượt hơn 1,5 lần tiêu chuẩn cho phép. Riêng phân tích mẫu nước thải tại hồ chứa, hàm lượng các chất ô nhiễm đều vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.

 

Ngày 26/1/2005, Vedan Bình Thuận bị Sở TN&MT xử phạt hành chính. Đến ngày 21/3/2006, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận, Sở TN&MT cho phép nhà máy này tạm hoạt động đến hết ngày 30/4/2006. Đến mùa vụ mì năm 2006-2007, đường ống của nhà máy này lại bị bể. phát tán mùi hôi đi khắp nơi .

 

Bốn năm chưa nghiệm thu hệ thống xả thải

 

Theo Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, làm việc về xử lý ô nhiễm mùi với Vedan luôn nghe họ khẳng định là việc giải quyết được. Trong khi đó Sở cũng đã trao đổi với một số nhà khoa học về môi trường trong nước và được biết rằng không thể triệt tiêu hoàn toàn mùi hôi do chế biến mì gây nên.

 

Đáng nói là hệ thống xử lý nước thải của nhà máy này sau bốn năm đưa vào hoạt động vẫn chưa được nghiệm thu, hệ thống sục khí lại thường bị hỏng. Trong những ngày này, trong vai những người đi câu cá, chúng tôi cũng đã lọt vào nhà máy sau khi vượt sông Phan từ bờ bên kia. Dù đã ngưng hoạt động từ lâu nhưng tại khu vực hồ số một của nhà máy này có dung tích hơn 71 ngàn m3, nước biến thành màu xanh lét và hôi nồng nặc.

 

Toàn bộ bốn hồ chứa đều đắp bằng đất và không đầm chặt, vách hồ bị xói lở, nước thải cứ thế tràn ra ngoài theo đó xuống sông Phan. Tại đuôi hồ số một, chúng tôi còn phát hiện một dòng chảy lớn sát bên sông đã biến thành màu trắng đục như sữa, mốc meo, ruồi bọ bu đầy.

 

Nhiều người sống ven sông cho biết vào mùa khô, khi nước đã cạn dưới đáy sông luôn đóng một lớp màu nâu đỏ dày cả tấc, cực kỳ hôi thối. Nếu lỡ bước chân vào sẽ bị nổi mụn đỏ, ngứa ngáy. Theo họ dòng sông Phan hiền hòa từ nhiều năm qua không hề thấy chuyện này nhưng từ khi Vedan sản xuất mì ướt tại đây mới bắt đầu xuất hiện.

 

Chúng tôi đã thử dò tìm hệ thống xả nước và bất ngờ phát hiện hằng hà sa số các loại ống nhựa, cống xi măng đặt ngầm từ trong nhà máy hướng miệng ra sông Phan. Tuy nhiên, không thể biết đâu là ống xả nước thải, đâu là ống xả nước sinh hoạt.

 

Ông Hùng - một nông dân sống cạnh sông Phan cho biết đoạn sông này thường ngập lụt vào mùa mưa. Mỗi lần nước lụt tràn lên và khi rút xuống thì nước thải trong các hồ chứa khổng lồ của nhà máy này cũng tự nhiên rút theo! 

(Theo Tuổi Trẻ, Pháp Luật TP HCM)