Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sáng chế phân hữu cơ từ vỏ cà phê

(14:35:30 PM 14/08/2012)
(Tin Môi Trường) - Nhóm sinh viên đội SIFE của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã thực hiện một dự án cộng đồng nhằm hướng dẫn người dân các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông làm phân hữu cơ từ vỏ cà phê.

 

 

Dự án cà phê

Những thành viên thực hiện dự án - Ảnh: Lê Thanh

Dự án đã có, nhưng để có kinh phí đi lại và thực hiện dự án, các bạn phải đi “gõ cửa” nhiều nơi và tìm nguồn kinh phí bằng cách vận động các doanh nghiệp thông qua chương trình “Sinh viên và câu chuyện cà phê” do nhóm tổ chức. Nhóm bạn trẻ ấy lân la về các xã vùng sâu, vùng xa của một số tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Nông khảo sát thực tế để hướng dẫn người dân làm phân hữu cơ từ loại phế phẩm này.

 

Nói về tính hiệu quả, Phạm Quỳnh Trang - thành viên của dự án cho biết: “Đối với người trồng cà phê, phân bón hóa học là giải pháp nhanh chóng, sạch sẽ và tiện lợi. Tuy nhiên, chi phí đầu tư để mua phân hóa học thì tốn kém mà điều tai hại là sử dụng loại phân này để bón cho cây thường xuyên sẽ làm đất ngày càng chai cứng, cây trồng không đủ sức chống chọi với bệnh tật, dẫn đến năng suất cây cho trái ngày một giảm sút. Trái lại, nếu dùng phân hữu cơ để bón cho cây thì hằng năm người nông dân sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng 1/3, đất đai được cải tạo và dĩ nhiên năng suất cây cho trái sẽ đạt hiệu quả hơn rất nhiều lần”.

 

Nói về ý tưởng thực hiện dự án này, Trần Minh Thư - trưởng dự án tâm sự: “Người dân thu hoạch được một tấn cà phê hạt để bán trên thị trường thì buộc họ thải ra khoảng 700 kg vỏ. Tính bình quân một hộ làm cà phê ở các tỉnh Tây nguyên mỗi năm thải ra cả chục tấn vỏ. Để xử lý loại phế phẩm này, người dân thường đổ thành đống rồi đốt khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chính bản thân. Vì vậy, tụi mình muốn giúp bà con vùng này tận dụng những phế phẩm ấy làm phân hữu cơ để bón ngược lại cho cây cà phê ngay trên mảnh vườn của họ”.

 

Chi phí để làm ra một tấn phân hữu cơ chỉ tốn khoảng 1 triệu đồng, trong khi hiện tại trên thị trường giá phân hữu cơ hơn 5 triệu đồng/tấn.

 

Theo Đặng Đức Quang (thành viên), quy trình để làm ra một tấn phân hữu cơ rất đơn giản, đầu tiên là lấy 700 kg vỏ cà phê khô, cộng thêm 250 kg phân chuồng (phân heo, bò), 50 kg phân lân, sau đó hòa 2 kg men Cabi (loại men có bán trên thị trường) vào 200 lít nước rồi tưới lên hỗn hợp trộn đều lại với nhau. Nếu thấy hỗn hợp chưa đủ độ ẩm thì có thể đổ thêm nước. Khi trộn xong, dùng tấm bạt phủ kín đống hỗn hợp để che nắng nhưng phải tạo một số lỗ thông hơi để ủ lên men tốt. Khoảng 10 ngày sau, mở tấm bạt ra tưới thêm nước và trộn đều hỗn hợp. Cứ làm đi làm lại như thế khoảng 2, 3 lần, khi nào thấy đống ủ chuyển sang màu đen, bóp vỏ cà phê thấy mềm như mùn thì hỗn hợp đã thành phân hữu cơ. Loại phân này có thể dùng bón ngay cho cây trồng trong vòng 3, 4 tháng. Nếu bà con muốn dự trữ để dùng trong thời gian dài hơn thì có thể sấy khô cho vào bao để dành.

 

Từ đầu năm 2010 đến nay, nhóm bạn trẻ này đã hướng dẫn thí điểm cho 86 hộ dân ở một số huyện thuộc 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, làm được gần 400 tấn phân hữu cơ, tiết kiệm cho người dân gần 2 tỉ đồng. Dương Thị Ánh Thời (thành viên) hồ hởi: “Nhớ lại những ngày đầu, nhiều người không tin sinh viên tụi mình có thể làm được cái điều không tưởng như thế, chỉ sau một thời gian ngắn khi tụi mình trình làng sản phẩm thì đã thuyết phục được bà con. Những hộ nông dân được nhóm thuyết phục làm thí điểm ban đầu, giờ không những họ tự làm được phân hữu cơ với số lượng lớn mà còn nhân rộng mô hình và dạy lại cho các hộ khác”.

 

Không dừng lại ở đó, Huỳnh Quốc Trung (thành viên) cho biết: “Tụi mình muốn phát triển dự án này ngày một lan rộng với mong muốn trong tương lai tất cả những người trồng cà phê ở các tỉnh Tây nguyên đều biết đến dự án này, để họ có thể tự làm phân hữu cơ ngay trên vườn của mình”. 

 Ngày 9.9, nhóm bạn trẻ này sẽ tổ chức chương trình “Chúng tôi yêu cà phê Việt Nam” tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, để tìm nguồn tài trợ phát triển một số dự án cộng đồng nhằm giúp bà con nông dân vùng Tây nguyên.

(Nguồn: TNO)