Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Báo cáo của Bộ Công thương cho biết trong các năm 2006 – 2010, kết quả tiết kiệm điện của các tỉnh, thành phố đạt được 4.039 triệu kWh bằng 127% so với kế hoạch (bằng khoảng 1,4% tổng thương phẩm) tập trung vào các lĩnh vực sử dụng điện chủ yếu là cơ quan công sở khối hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, sản xuất kinh doanh, sinh hoạt và dịch vụ.
Ở TP Hồ Chí Minh, chi phí năng lượng chiếm đến 14% GDP. Nếu TP tiết kiệm được 5% tổng năng lượng tiêu thụ trên địa bàn thành phố như mục tiêu đề ra thì sẽ tiết kiệm được 1% điện cho cả nước - ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiện Năng lượng TP Hồ Chí Minh, cho biết tại hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 – 2010 sáng 25/3 tại Hà Nội.
Như vậy, “Nếu tiết kiệm được 5%, mỗi năm TP Hồ Chí Minh sẽ tiết kiệm được khoảng 800 tỷ đồng”, ông Tước tính toán.
Theo kết quả khảo sát của cơ quan chức năng trên 400 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp của cả nước có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể đạt 30%.
Ông Nguyễn Đình Hiệp, chánh văn phòng tiết kiệm năng lượng, Bộ Công thương, cho biết sử dụng năng lượng ở bộ phận hộ gia đình đang tăng bởi sự gia tăng số hộ (khoảng 20 triệu hiện nay và tăng 2 đến 3% một năm) và gia tăng mức sử dụng nhiên liệu ở mỗi hộ. Đặc biệt là tiêu thụ điện tăng nhanh (khoảng 1,100 kWh/hộ hiện nay và tăng 8% hàng năm).
Theo PGS.TS Phạm Hoàng Lương, phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, mức độ gia tăng hàng năm về tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp ước tính từ 8% - 12% từ nay đến năm 2020.
“Về mục tiêu tổng thể, phấn đấu đạt mức tiết kiệm từ 5% – 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước trong giai đoạn 2011 – 2015 so với dự báo nhu cầu năng lượng được thực hiện vào năm 2005 theo tổng sơ đồ VI phát triển điện lực đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.” – ông Hiệp nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu trên, ban chỉ đạo chương trình kiến nghị tăng dần nguồn kinh phí sự nghiệp và đầu tư để khai thác các dự án tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn 2011 – 2015; dự kiến kinh phí triển khai sẽ tăng gấp đôi so với giai đoạn 2006 – 2010, trung bình kinh phí hằng năm khoảng 100 tỷ đồng (không bao gồm nguồn kinh phí viện trợ của chính phủ các nước).
Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Hoàng Quốc Vượng, trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương cho các tập thể, cá nhân
* Cũng tại hội nghị tổng kết, Bộ Công thương trao bằng khen cho 28 tập thể và 18 cá nhân đã có thành tích trong việc tiết kiệm năng lượng, hiệu quả.
Để đẩy mạnh việc triển khai thực hiện việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 về việc phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 – 2015. Chương trình được giao cho Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) chủ trì thực hiện có sự tham gia phối hợp của một số bộ ban ngành liên quan. Tổng kinh phí cấp cho chương trình trong các năm 2007, 2008, 2009, và 2010 là 169,1 tỷ đồng, trong đó 124,1 tỷ đồng thuộc kinh phí sự nghiệp và 45 tỷ đồng dành cho các dự án hỗ trợ đầu tư. |