Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tại hội nghị Lưu vực sông Cầu lần thứ 8 vừa được tổ chức tại Bắc Giang mới đây, câu chuyện về xử lý nguồn gây ô nhiễm trên lưu vực sông vẫn khó tìm lời giải do lưu vực sông trải dài trên 6 tỉnh (Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình) nhưng Ủy ban bảo vệ môi trường (UB BVMT) lưu vực không đủ quyền để điều phối.
Sông hứng chịu nguồn xả thải
Ô nhiễm nước lưu vực sông Cầu được xem là vấn đề khó giải quyết nhiều năm qua. Kết quả phân tích mới đây nhất về mẫu nước mặt và nước ngầm thuộc phạm vi huyện Yên Dũng (Bắc Giang) cho thấy, vào mùa mưa, nước sông Cầu có chỉ số pH dao động từ 7,03 - 8,09, (trung bình giá trị pH kiểm tra các mẫu nước trong mùa mưa là 7,41). Trong mùa khô, pH đạt giá trị trung bình 7,71, trong đó giá trị pH của nước sông dao động từ 7,5-8,2. Như vậy, giá trị pH ở mùa khô đều cao hơn mùa mưa, điều này cho thấy nước sông Cầu có xu thế kiềm hóa về mùa khô.
Theo ông Hoàng Ngọc Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch UB lưu vực sông Cầu cho biết, thời gian qua các tỉnh trên lưu vực sông đã tổ chức nhiều hoạt động BVMT, triển khai các dự án, chương trình góp phần làm giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường sông Cầu, song chất lượng dòng sông vẫn chưa được cải thiện. Nguồn nước thải tại các làng nghề chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm chưa có công nghệ xử lý thích hợp, chi phí đầu tư xử lý cho các bãi rác, các dự án trồng rừng chưa được cân đối…
Nước sông Cầu ô nhiễm nhưng khó quy trách nhiệm. ảnh Bích Ngọc.
Kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT cũng chỉ ra, nhiều khu công nghiệp cũng thải nước gây ô nhiễm môi trường. Mới đây nhất, Công ty TNHH Longtech Precision Việt Nam ở Khu công nghiệp (KCN) Quế Võ, Bắc Ninh đã có hành vi lắp đặt đường ống không có trong sơ đồ thiết kế đã được phê duyệt để đưa nước thải sản xuất tại phân xưởng mạ không qua hệ thống xử lý nước thải, thải vào hệ thống thu gom và thoát nước mưa rồi thải ra môi trường, đã bị Cục Cảnh sát Môi trường xử phạt vi phạm hành chính số tiền 225 triệu đồng và yêu cầu dừng ngay hành vi vi phạm.
Cần biết rằng, lưu vực sông này hiện có tới 79 cơ sở, KCN, cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động, vì vậy vẫn hàng ngày sông vẫn “oằn mình” gánh các nguồn thải ô nhiễm.
Cần thêm cây gậy quyền lực
Do lưu vực sông nằm trên 6 địa phương khác nhau nên mỗi nhiệm kỳ, ông chủ tịch Ủy ban sẽ được thay thế lần lượt theo sự thay đổi cán bộ của từng địa phương đó. Bà Đỗ Hồng Phấn, Trưởng ban cố vấn Mạng lưới Cộng tác vì nước Việt Nam chỉ ra nhiều mặt khó khi trên một con sông lại có nhiều chủ. Theo bà Phấn, việc cạnh tranh về nguồn nước trên lưu vực sông ngày càng nặng nề, song nước sông ngày càng ô nhiễm. Với mỗi lưu vực sông có UB BVMT sông. “Trong khi ngành môi trường đau khổ về chất lượng nước, còn tổ chức lưu vực sông lại không có quyền hạn mà chỉ là tư vấn, điều phối”, bà Phấn bức xúc.
Theo UB BVMT lưu vực sông Cầu, thời gian tới cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tra trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT đối với UBND 6 tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu và thanh tra công tác BVMT đối với 79 cơ sở, KCN và CCN; qua đó, đã kịp thời phát hiện các vi phạm của các cơ sở, lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển đến cấp có thẩm quyền đề nghị xử phạt đồng thời yêu cầu các cơ sở, KCN khắc phục hậu quả vi phạm.
Tuy nhiên, Ủy ban cũng đề nghị Bộ TN-MT chủ trì phối hợp với các địa phương trong lưu vực và các Bộ, ngành liên quan tổng kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của UB BVMT lưu vực sông, trong đó có UB BVMT lưu vực sông Cầu, với phương án thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về BVMT các lưu vực sông Việt Nam, do Phó Thủ tướng làm Trưởng Ban, Bộ trưởng Bộ TN-MT là Phó Trưởng ban và các thành viên là Thứ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công An, Y tế… và lãnh đạo các địa phương thuộc lưu vực sông trên cả nước.