Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phun thuốc trừ cỏ diệt lục bình: Hậu quả khó lường

(20:24:22 PM 13/08/2012)
(Tin Môi Trường) - Nhiều tuyến sông, rạch ở tỉnh Hậu Giang đang bị lục bình sinh sôi nhanh giăng kín khiến việc lưu thông của ghe, tàu gặp nhiều khó khăn. Đáng lo ngại hơn, nhiều địa phương trong tỉnh đang tổ chức phun thuốc trừ cỏ 2,4D (thuốc khai hoang) xuống sông để xử lý lục bình.


Lục bình xâm chiếm mặt sông tại xã Long Trị A, huyện Long Mỹ, Hậu Giang.

 

 

Khốn khổ với lục bình

 

Trên tuyến Kinh Cùng cặp quốc lộ 61, đoạn từ ấp Hòa Đức, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp đến giáp ranh huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, mấy tháng nay, ghe, xuồng của người dân đi lại rất khó khăn vì lục bình giăng kín mít. Nhiều người dân phải neo ghe vì không thể di chuyển qua lớp lục bình dày đặc. Không ít thương lái ở những nơi khác đến mua nông sản ở khu vực này cũng bị mắc kẹt.

 

Anh Huỳnh Văn Đen, quê ở Sóc Trăng, làm nghề buôn bán trên ghe đang tá túc tại ấp Hòa Đức ngán ngẩm nói: “Tôi có chiếc ghe 10 tấn dùng để mua lúa, chở mía thuê, hết mùa thì đi mua lợp tép từ Ô Môn, Cần Thơ đem xuống đây bán cho người dân. Thế nhưng, mấy tháng nay, lục bình bít kín sông, không đi đâu được. Để có tiền chi tiêu tôi phải lên bờ kiếm việc phụ hồ và chờ lục bình vãn mới đi”.

 

Khốn khổ hơn là những hộ dân quanh năm sống bằng nghề buôn bán nhỏ trên sông như vợ chồng ông Huỳnh Văn Tạo, ở ấp Hòa Đức, xã Hòa An bởi gần như ngày nào họ cũng phải đi lại trên sông vài lần. Ông Tạo cho biết: “Nhà tôi làm nghề chở mướn, có chiếc ghe 2 tấn hết chở lúa đi xay xát lại đem về giao gạo cho người ta. Lúc trước chỉ vợ tôi đi là được, bây giờ phải có thêm một người nữa đứng trước mũi ghe để rẽ lục bình mới đi được. Ngày nào cũng phải ì ạch qua đám lục bình nên chi phí xăng dầu tăng gấp 8 - 10 lần”.

 

Tương tự, ở tuyến sông Cái Lớn (một trong 4 sông lớn nhất tỉnh Hậu Giang), kéo dài từ huyện Long Mỹ về các xã Long Trị A, Long Trị hiện nhiều đoạn cũng bị lục bình xâm chiếm. Trong đó, đoạn thuộc ấp 8, ấp 1 xã Long Trị, ấp Bình Trung, Bình Thạnh thuộc xã Long Bình có chiều dài hơn 5km bị lục bình phủ kín mặt sông (rộng 50m-60m). Nhiều tuyến sông khác ở tỉnh Hậu Giang như sông Cái Chầu (huyện Long Mỹ); kênh Hậu Giang 3 và hàng chục tuyến sông, rạch khác thuộc các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ… cũng bị lục bình gây cản trở lưu thông.

 

Dùng thuốc tận diệt

 

Trước tình trạng lục bình phát triển vượt tầm kiểm soát, vừa qua một số địa phương ở Hậu Giang đã sử dụng thuốc trừ cỏ 2,4D phun xịt (người dân gọi là thuốc khai hoang) để tận diệt lục bình, giải tỏa mặt sông. “Lúc đầu địa phương cũng không dám dùng vì biết là độc hại nhưng phương tiện vớt không có, lực lượng mỏng nên mới dùng thuốc khai hoang 2,4D. Đây cũng không phải lần đầu sử dụng thuốc này. Trước đây, người dân vẫn thường tự mua loại thuốc này về để phun diệt lục bình. Nhiều hộ dân nuôi cá cho biết cá không bị chết sau khi phun thuốc nên chúng tôi quyết định phun thuốc khai hoang 2,4D”, ông Trần Hoàng Khởi, Phó Chủ tịch UBND xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang lý giải. Cũng theo ông Khởi, sau khi phun khoảng 5 ngày, lục bình sẽ khô héo, nước đen và hôi thối. Sau đó phải xịt thêm một lần nữa lục bình mới thối rữa và chết hẳn.

 

UBND huyện Long Mỹ cũng xác nhận, địa phương đang sử dụng loại thuốc khai hoang 2,4D để diệt lục bình. Ông Lê Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, phân trần: “Xịt thuốc khai hoang là biện pháp cuối cùng vì không còn cách nào khác. Mỗi lần xịt, chúng tôi đều tuyên truyền trên đài khuyến cáo người dân ngưng sử dụng nước sông để ăn 10 ngày. Sau đó mới được dùng lại bình thường”. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, sông Cái Lớn, sông Cái Chầu, hay tuyến Kinh Cùng cặp quốc lộ 61… đều chảy qua các vùng nông thôn, nước sạch không có, rất nhiều hộ dân vẫn phải sử dụng nước sông làm nước sinh hoạt hàng ngày.

 

Chị Đặng Thị Bích Thủy, ở xã Long Trị A, huyện Long Mỹ, cho biết: “Nhà tôi không có nước cây, cũng chưa có nước máy nên vẫn phải lấy nước dưới sông lên lóng phèn ăn uống. Hôm nào mới xịt thuốc, nước đen quá mới chạy đi xin nước cây. Chưa thấy ảnh hưởng sức khỏe còn về lâu dài thì chưa rõ”.

 

PGS-TS Nguyễn Hữu Chiếm, Phó Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ), lo ngại: “Thuốc trừ cỏ 2,4D được nông dân ĐBSCL dùng để trừ cỏ lúa. Tuy nhiên, đây là loại thuốc rất độc hại đối với sức khỏe con người. 2,4D có cấu tạo phân tử mạch vòng gần giống với chất độc da cam. Đáng lo ngại hơn, hiện nay các loại thuốc 2,4D có nguồn gốc không rõ ràng được bán rất nhiều, giá rẻ. Việc phun xịt loại thuốc này xuống sông để diệt lục bình là phản khoa học, có thể không gây tác hại tức thì nhưng về lâu dài thì rất khó lường”.

(Nguồn: SGGP)