Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tiếng vọng "trong đá" từ ngàn năm

(17:55:05 PM 13/08/2012)
(Tin Môi Trường) - Đến đây du khách sẽ được sống lại không gian xanh bao la của đồng ruộng của những vạt cỏ xanh mềm và chiêm ngưỡng một di sản hầu như còn nguyên vẹn. Du khách sẽ thán phục bàn tay và khối óc của người Việt trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Thành nhà Hồ  nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá). Đây là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, thành này còn được gọi là Tây Đô (hay Tây Giai) để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Xây xong thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô.

 

Thế đất được chọn nằm ở khu vực giữa sông Mã và sông Bưởi, phía bắc có núi Thổ Tượng, phía tây có núi Ngưu Ngọa, phía đông có núi Hắc Khuyển, phía nam là nơi hội tụ của sông Mã và sông Bưởi.

 

Theo sử liệu, vào năm 1397, trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài, đồng thời cũng là cách để hướng lòng dân đoạn tuyệt với nhà Trần.

 

Thành được xây dựng trên một địa thế hiểm trở “cuối nước, đầu non”, có núi cao bao bọc, có sông nước ngăn cách, được chia làm 2 khu: khu thành nội va khu thành ngoại vi, với 4 cổng theo chính hướng Nam, Bắc, Tây, Đông gọi là cổng Tiền, Hậu, Tả, Hữu đều được xây dựng theo kiểu cổng vòm.
 

 

Thành được chia gồm 3 bộ phận, La thành, Hào thành và Hoàng thành. La thành là vòng ngoài cùng, chu vi khoảng 4 km. Hào thành được đào bao quanh bốn phía ngoài nội thành, cách chân thành theo các hướng khoảng 50 m. Công trình này có nhiệm vụ bảo vệ nội thành.

 

Hoàng thành được xây dựng trên bình đồ có hình gần vuông. Chiều Bắc - Nam dài 870,5 m, chiều Đông - Tây dài 883,5 m. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông gọi là các cổng Tiền - Hậu - Tả - Hữu. Mỗi cửa đều được mở ở chính giữa. Các cổng này được xây dựng theo kiến trúc hình mái vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít lên nhau.

 

Cổng tiền (cổng phía Nam) là cổng chính, có ba cửa. Cửa giữa rộng 5,82 m, cao 5,75 m, hai cửa bên rộng 5,45 m, cao 5,35 m. Ba cổng còn lại chỉ có một cửa. Tường thành cao trung bình 5-6 m, chỗ cao nhất là cổng tiền cao 10 m.
 

Nối liền với cửa Nam là con đường Hoa Nhai (đường Hoàng Gia) lát đá dài khoảng 2,5 km hướng về đàn tế Nam Giao (nơi nhà vua tế lễ) được xây dựng vào tháng 8/1402.

 

Theo sử sách trong thành còn rất nhiều công trình được xây dựng, như điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly), Đông cung, tây Thái Miếu, đông Thái miếu, núi Thọ Kỳ, Dục Tượng... rất nguy nga, chẳng khác gì kinh đô Thăng Long.
 

Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các phiến đá dài trung bình 1,5 m, có tấm dài tới 6 m, trọng lượng ước nặng 24 tấn. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp công phu.

 

Những phiến đá nặng hàng tấn chỉ xếp lên mà không cần chất kết dính vẫn đảm bảo độ bền vững. Qua hơn 600 năm cùng những biến cố thăng trầm của lịch sử và tác động của thời tiết, hệ thống tường thành còn khá nguyên vẹn. Theo sử lược ghi lại thì chỉ trong vòng 3 tháng những người “khổng lồ đào đất” cách thời đại chúng ta hơn 6 thế kỷ đã tạo nên một công trình đồ sộ như vậy quả là một điều “xưa nay hiếm”.

 

Tuy nhiên, trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn đang nằm ẩn mình phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.

 

Sau một năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại (27/6/2011) tỉnh Thanh Hóa đang tích cực bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản. Trong 6 tháng đầu năm 2012, Thành nhà Hồ đã đón hơn 11.000 lượt khách (so với 16.000 lượt khách cả năm 2011). Đây là một tín hiệu vui thể hiện sự quan tâm của người dân trong nước và du khách quốc tế đối với di sản độc nhất xứ Thanh này.

 

(Nguồn: Báo Đất Việt)