Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Một góc con sông Cầu. (Nguồn: isponre.gov.vn
Trước hết phải kể đến xã Tam Giang, huyện Yên Phong rất nổi tiếng với nghề tơ tằm. Đây chính là điểm sông Cầu bắt đầu chảy vào địa phận tỉnh Bắc Ninh. Nước thải từ làng nghề chứa nhiều hợp chất hữu cơ đã và đang tác động rất xấu đến chất lượng nước của dòng sông Cầu.
Tiếp đó là xã Tam Đa cũng thuộc huyện Yên Phong có làng nghề chuyên nấu rượu mang tên Đại Lâm. Hầu hết các hộ dân khu vực này làm nghề nấu rượu kết hợp chăn nuôi lợn, toàn bộ nước thải trong quá trình sản xuất đều xả thẳng xuống sông Cầu. Mặt dù chính họ thường sử dụng nguồn nước này cho sinh hoạt hàng ngày, song họ vẫn biến khúc sông thành nơi chứa rác thải và nước thải.
Còn cửa cống Vạn An nằm tiếp nối ngay sau xã Tam Đa trực tiếp chịu ảnh hưởng ô nhiễm do nước sông từ Tam Đa chảy xuống. Đồng thời, cống này là điểm đầu mối của kênh tưới tiêu Vạn An và sông Ngũ Hiệp Khê đã trở thành điểm “tập kết” của lượng nước thải từ các làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp đổ vào, như làng nghề tái chế sắt thép Đa Hội; đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ; giấy Phú Lâm và giấy Phong Khê. Chưa kể một lượng nước thải sinh hoạt đáng kể nữa của các khu đô thị Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong được “chuyên trở” về đây và đổ ra sông Cầu.
Cảng sông nội địa Đáp Cầu là điểm hoạt động tấp nập nhất của tàu thuyền vận chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn Bắc Ninh. Ngoài ra khu vực này còn có 2 cảng kinh doanh của Công ty kính Đáp Cầu và Công ty kính nổi Việt-Nhật. Do vậy, nước sông thường nổi váng dầu, mỡ mà như người dân địa phương nhận xét: “Đến cỏ dọc bờ sông cũng không phát triển được, nên các loài thủy sinh trên đoạn sông này đã tiệt giống từ lâu”.
Một trong 6 nguồn gây ô nhiễm chính cho môi trường nước lưu vực sông Cầu nữa là Trạm bơm Kim Đôi có công suất tối đa 10.000m3/h. Trạm này nằm trong số các trạm bơm đóng vai trò tiêu, thoát nước cho thành phố Bắc Ninh và các vùng phụ cận. Kênh Kim Đôi nhận nước thải từ các khu vực nội thị như Bồ Sơn, Đại Phúc, Thị Cầu, Đáp Cầu và nước thải từ Khu công nghiệp Quế Võ I đổ vào. Sự phát triển của khu đô thị trẻ nơi đây cũng làm gia tăng lượng nước thải và hàm lượng các chất ô nhiễm nguồn nước sông Cầu.
Cuối cùng là Trạm bơm Hiền Lương: Nước sông Cầu chảy qua xã Phù lương, huyện Quế Võ bị ảnh hưởng nặng nề bởi nước thải từ kênh tiêu Tào Khê, có nhiệm vụ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp của 2 huyện Tiên Du và Quế Võ. Do đó, nước sông Cầu tại khu vực này phải hứng chịu nhiều loại hóa chất độc hại sử dụng trong nông nghiệp, bao gồm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, phân đạm…
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết: Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nói chung và 6 nguồn gây ô nhiễm chính cho môi trường lưu vực sông Cầu, trong năm nay tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 12 đề án và dự án nằm trong Kế hoạch Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu đã được Chính phủ phê duyệt.
Trong đó những dự án mà Bắc Ninh sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề tái chế giấy Phong Khê giai đoạn I, công suất 5.000m3/ngày đêm; Dự án đầu tư xây dựng Khu xử lý chất thải tỉnh Bắc Ninh tại xã Phù Lăng, huyện Quế Võ quy mô 60ha; Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải làng nghề tại thị xã Từ Sơn…
Nhưng để ngăn chặn tận gốc các nguồn xả thải vào lưu vực sông Cầu, Bắc Ninh cần phải công khai hóa, đi đôi với xử lý nghiêm minh những cơ sở và cá nhân trên địa bàn cố tình vi phạm Luật bảo vệ môi trường. Mặt khác yêu cầu các tổ chức đoàn thể quần chúng từ tỉnh đến cơ sở tham gia tuyên truyền, vận động các tầng lớp xã hội nâng cao ý thức trách nhiệm, cùng cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, đặc biệt là trả lại sự trong sạch vốn có của dòng sông Cầu thơ mộng.