Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bộ Công Thương: Thời điểm nhập muối đã chín muồi

(20:41:23 PM 11/08/2012)
(Tin Môi Trường) - Trước băn khoăn của dư luận về việc ngành sản xuất muối, đường đang gặp không ít khó khăn nhưng liên bộ Công Thương-Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn cấp hạn ngạch nhập khẩu. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, thời điểm nhập khẩu đã chín muồi và không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

 

 

Diêm dân Ninh Hải thu hoạch muối (Nguồn: TTXVN)


Tuân thủ theo cam kết WTO

Tại buổi họp báo công bố hạn ngạch nhập khẩu mặt hàng đường và muối do Bộ Công Thương tổ chức chiều 10/8, bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho hay, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO thì 4 mặt hàng là muối, đường, thuốc lá điếu và trứng gà đều phải cấp hạn ngạch nhập khẩu thuế quan.

Năm nay, lượng hàng hóa nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan của mặt hàng muối là 102.000 tấn, còn đường tinh luyện và đường thô là 70.000 tấn. Trong đó, 100.000 tấn muối công nghiệp sẽ được giao các thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và 2.000 tấn muối tinh khiết cho các thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế.

Đặc biệt, phân bổ 50.000 tấn đường tinh luyện và đường thô cho các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và 20.000 tấn đường thô cho thương nhân sản xuất đường để tinh luyện cung cấp phục vụ sản xuất, tiêu dùng.

Theo thống nhất giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn từ đầu năm thì việc giao hạn ngạch đợt 1 đối với mặt hàng muối là 53.000 tấn, trong đó 51.000 tấn phục vụ sản xuất hóa chất và 2.000 tấn làm nguyên liệu sản xuất thuốc.

Tuy nhiên, việc giao 51.000 tấn này chỉ được thực hiện vào tháng 9/2012 nhằm tiêu thụ hết lượng muối trong nước, số còn lại sẽ căn cứ vào nhu cầu thị trường để phân hạn ngạch tiếp.

"Việc giao hạn ngạch này cũng phải tuân thủ đúng mục đích sử dụng và hàng tháng doanh nghiệp phải báo cáo liên bộ, đồng thời liên bộ cũng sẽ giám sát việc nhập khẩu này. Còn những thương nhân được phân giao mà không thực hiện sẽ được điều chuyển cho các doanh nghiệp khác," bà Hà nói.

Đối với mặt hàng Đường, theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng cục nông lâm sản và nghề muối, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay về mặt số lượng, ngành đường sản xuất được khoảng 1.360 nghìn tấn và có thể đảm bảo phục vụ nhu cầu trong nước.

Ông Hòa cũng khẳng định, việc phân theo hạn ngạch nhập khẩu thực chất cũng nhằm bảo hộ thị trường trong nước, còn thời điểm cũng đã được sự thống nhất của liên bộ Công Thương-Nông nghiệp.

Nâng sức cạnh tranh hàng trong nước

Theo đánh giá của liên bộ, hệ thống bán lẻ hình thành chưa "chỉn chu" đã khiến chênh lệch giữa bán lẻ với giá giao tại nhà máy đối với các mặt hàng này còn quá cao.

Nhưng trước sức mua hạn chế và thương nhân giữ lượng đường quá lớn phải chịu lãi suất cao thì cần phải có những cơ chế hỗ trợ cho nhà sản xuất để thu hẹp những bất hợp lý này.

Ông Đoàn Xuân Hòa cho rằng, không một nước nào căn cứ giá đường bán lẻ vào giá đường sản xuất, trên thực tế các nước đều có khoảng chênh nhất định, Tuy nhiên, mặt hàng đường của Việt Nam còn khá non trẻ so với thế giới, do vậy việc bảo hộ đòi hỏi cạnh tranh ngành đường cũng phải nâng lên.

Theo lộ trình cắt giảm thuế khi gia nhập WTO, từ này đến 2018 thuế nhập khẩu cũng sẽ giảm dần, do vậy thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần có định hướng, nâng cao chất lượng và giảm giá thành để đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thế giới.

Hiện Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng muối công nghiệp phục vụ sản xuất hóa chất, xây dựng kế hoạch ưu tiên sử dụng muối chất lượng cao trong nước sản xuất được.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát chiến lược, định hướng để xây dựng khu vực sản xuất muối công nghiệp chất lượng cao ở miền Trung, nghiên cứu chính sách ưu tiên, hỗ trợ tín dụng cho diêm dân, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất muối đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Để ngăn chặn đường lậu nhập khẩu qua biên giới Tây Nam, hiện Bộ Công Thương đã phối hợp với ban chỉ đạo 127 Trung ương và các địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra giám sát.

"Tuy nhiên, để đạt được yêu cầu hay không thì cần phải giảm sự chênh lệch giá giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới," thứ trưởng nhấn mạnh.
(Nguồn: TTXVN)