Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp

(07:57:20 AM 11/08/2012)
(Tin Môi Trường) - An Giang còn nhiều bất cập và cần thiết chấn chỉnh hoạt động bảo vệ môi trường tại các cơ sở, doanh nghiệp và khu công nghiệp trong tỉnh. Đó là kết luận ngày 10/8 của ông Lương Duy Hanh - Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành từ thực tế thanh kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp và khu công nghiệp trong tỉnh.

Ảnh minh họa


Theo kết luận của đoàn Thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tình hình chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các cơ sở và khu công nghiệp tỉnh An Giang, cho thấy tỉnh An Giang có quan tâm trong việc bảo vệ môi trường thông qua các văn bản chỉ đạo là rất tốt. Tỉnh còn triển khai nhiều dự án đầu tư, tác động môi trường, thẩm định, tổ chức thực hiện đúng hướng dẫn, qui định. Tuy nhiên, do đặc thù nên vẫn còn nhiều bất cập như thẩm định, duyệt các dự án không đúng với Luật Môi trường năm 2005 bởi các dự án sau khi cấp phép triển khai chưa có thiết kế công trình bảo vệ tác động môi trường. Trong số 194 dự án tác động môi trường được bộ, tỉnh phê duyệt, chỉ mới có 12 dự án được xác nhận và tiếp tục kiểm soát. Bên cạnh đó, số tiền thu, xử phạt quá thấp không tương ứng với tình hình thực tế; công tác kiểm tra thẩm định dễ dàng, không thường xuyên, cam kết bảo vệ môi trường chỉ mang tính hình thức đã dẫn đến tình trạng vi phạm, gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp và cơ sở còn phổ biến. 


Ông Lương Duy Hanh - Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường còn nhấn mạnh, đối với việc quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo thực tế, nên chưa đúng với hướng dẫn của thông tư liên tịch số 197/2010/TTLT-BTC-BTNMT ngày 8/12/2010 (sử dụng 70% tổng số tiền thu xử phạt vi phạm hành chính). Trong khi kinh phí chi sự nghiệp môi trường còn nhiều bất cập bởi Sở Tài nguyên - Môi trường chưa hướng dẫn các địa phương về chuyên môn, nhiệm vụ và trọng tâm của hoạt động bảo vệ môi trường; chưa thực hiện đúng luật ngân sách về lập dự toán chi hàng năm, kinh phí chi cho thanh kiểm tra thấp. Ngoài ra, một số cơ sở, khu công nghiệp còn tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường không lắp biển báo kho lưu trữ; không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; không kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Qua đó, đoàn tiến hành lập biên bản 13 doanh nghiệp vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, đồng thời đề nghị tỉnh An Giang nên chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công trình, nhất là công trình có tác động môi trường; cần phải thiết kế công trình xử lý chất, nước thải, đặc biệt là tác động môi trường. Tỉnh cũng nên chú trọng ưu tiên đầu tư một số công trình bảo vệ môi trường cấp bách và phải có báo cáo tác động môi trường; nhắc nhở cơ sở bố trí cửa xả nước thải sau khi xử lý tại vị trí thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát và đảm bảo nước thải sau khi xử lý phại đạt tiêu chuẩn QCVN; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh kiểm tra song song với quyết liệt xử lý vi phạm. 


An Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, với diện tích rộng, người đông, kinh tế phát triển mạnh trong nhiều năm trở lại đây. Tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp và đã quy hoạch 23 cụm công nghiệp. Với thế mạnh về nuôi trồng thủy sản nước ngọt với 1.100 ha ao nuôi và gần 2.000 bè, xuất khẩu mỗi năm gần 140.000 tấn thủy sản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh song song với cây lúa. Hiện nay, công tác quản lý bảo vệ môi trường ở lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản còn nhiều khó khăn, tỉnh kiến nghị Trung ương xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kho chứa chất thải và thiết kế mẫu về quy trình công nghệ xử lý nước thải ngành chế biến thủy sản phù hợp, hiệu quả nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp áp dụng, đồng thời giao quyền cho UBND tỉnh được xử lý, xử phạt cảnh cáo đối với hoạt động chế biến thủy sản vi phạm. Trong thời gian 3 tháng, các doanh nghiệp phải thực hiện khắc phục các hành vi về quản lý chất thải nguy hại và 6 tháng đối với việc hoàn thiện các công trình xử lý chất thải theo quy định.

 

(Nguồn: TTXVN)