Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhà máy
Miwon Việt Nam vừa bị cảnh sát môi trường Phú Thọ phát hiện xả nước thải chưa
qua xử lý xuống Sông Hồng trong gần một năm qua. Lãnh đạo nhà máy bột ngọt này thừa
nhận, mỗi ngày xả bẩn 150m3.
Phòng Cảnh
sát Môi trường tỉnh Phú Thọ vừa kiểm tra khu xử lý nước thải của nhà máy Miwon
(phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì). Tại đây, đoàn phát hiện một hệ thống nước
thải không được cấp phép nhưng vẫn hoạt động.
Thượng tá Ngô Quang Thiệu, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường
(Công an Tỉnh Phú Thọ), cho biết, trước đây Miwon chỉ có một dây chuyền sản xuất
xây dựng đồng bộ với hệ thống xử lý nước thải. Hệ thống này đạt yêu cầu kỹ thuật
và hoạt động từ năm 1995.
Tuy nhiên, khi nâng công suất nhà máy bằng dây chuyền
thứ hai cách đây gần hai năm, hệ thống xử lý nước thải cho dây chuyền này gặp trục
trặc và gần như không hoạt động. Thế nhưng Miwon vẫn vận hành sản xuất và xả nước
từ đây ra Sông Hồng.
"Miwon thừa nhận xả nước thải ra Sông Hồng và lý giải là do hệ thống xử lý đang trong quá trình thử nghiệm. Song, việc thử nghiệm mà không đạt tiêu chuẩn phải dừng lại ngay không thể cố tình sản xuất, như vậy là phạm luật", thượng tá Thiệu nói.
Theo báo
cáo của Miwon gửi đoàn kiểm tra, công ty này thừa nhận trung bình mỗi ngày xả
ra Sông Hồng 150 m3 nước thải chưa qua xử lý. Tuy nhiên, Phòng Cảnh sát Môi trường
Phú Thọ cho rằng, nếu căn cứ vào tỷ lệ nước thải so với nguồn nước đầu vào, ứng
với công suất nhà máy, lượng nước thải xả ra Sông Hồng của Miwon phải gấp nhiều
lần báo cáo.
"Chúng
tôi sẽ tính toán con số này dựa trên lượng nước Miwon mua vào. Các hóa đơn mua
nước từ công ty cấp nước Phú Thọ sẽ cho con số chính xác", thượng tá Thiệu
nói.
Trước đó,
vào tháng 3/2007, UBND tỉnh Phú Thọ có quyết định cấm Miwon không được đưa
dây chuyền thứ hai vào vận hành sản xuất trong giai đoạn hệ thống xử lý nước thải
đang thử nghiệm và chỉ được hoạt động chính thức khi có văn bản xác nhận báo
cáo đánh giá và tác động môi trường của Sở Tài nguyên&Môi trường.
Đến tháng 7/2008, khi tiến hành kiểm tra, xử phạt Miwon, biện pháp mà Sở Tài nguyên&Môi trường đưa ra là "yêu cầu khắc phục ngay hệ thống xử lý nước thải mới được vận hành sản xuất" kèm theo số tiền phạt 200.000 đồng. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Miwon vẫn tiếp tục hoạt động và chưa có thay đổi gì.
Khu xử lý nước thải của nhà máy Miwon liên tục gặp trục trặc từ khi bắt đầu vận hành. Ảnh: T.Đ. |
Ông Trương Quang Bình, Phó tổng Giám đốc Miwon VN, cho biết, ngay
từ khi đầu tư dây chuyền sản xuất thứ hai vào năm 2006, công ty đã ký hợp đồng
với Trung tâm Tư vấn chuyển giao công nghệ nước sạch và môi trường (thuộc Bộ
Tài nguyên&Môi trường) xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tổng số tiền đầu tư
cho hệ thống này là gần tám tỷ đồng.
"Khi bắt
đầu vận hành vào tháng 5/2007, các chỉ tiêu nước thải sau xử lý đã không đạt
tiêu chuẩn như trong hợp đồng. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu đơn vị thi công
khắc phục nhưng họ lờ đi suốt từ đấy đến nay", ông Bình nói.
Theo ông
Bình, việc Miwon xả nước thải không đạt tiêu chuẩn an toàn ra môi trường là vi
phạm nhưng một phần lỗi thuộc về Trung tâm Tư vấn Chuyển giao Công nghệ Nước sạch&Môi trường khi đã không làm đúng cam kết hợp đồng với công ty.
"Sau
nhiều lần yêu cầu không được đáp ứng, đến ngày 9/9 chúng tôi đơn phương chấm
dứt hơp đồng với đơn vị này. Còn việc gây ô nhiễm cho môi trường chúng tôi đã
tìm cách giải thích cho dân địa phương, hiện chúng tôi cũng chưa có hướng
giải quyết", ông Bình nói.
Phòng Cảnh sát Môi trường Phú Thọ đã gửi mẫu nước thải của Miwon đến Trung tâm Quan trắc của Sở Tài nguyên&Môi trường Phú Thọ để phân tích chính xác mức độ nguy hại. Đầu tuần sau, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên Môi trường Phú Thọ sẽ chính thức vào cuộc và tiến hành thanh tra nhà máy trong bốn ngày.
Công ty
Miwon VN (100 phần trăm vốn Hàn Quốc) thành lập năm 1994 hoạt động trong lĩnh sản xuất
thực phẩm, chủ yếu là bột ngọt. Nhà máy của công ty đóng tại phường Thọ Sơn (Việt
Trì, Phú Thọ). Công suất hiện tại của nhà máy đạt xấp xỉ 30.000 tấn bột ngọt một
năm.
(Theo VnExpress)