Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhà máy chế
biến tinh bột sắn của công ty trách nhiệm hữu hạn Veyu (trực thuộc Vedan), nhà máy
mía đường An Khê cùng nhà máy chế biến ván ép đều đổ nước thải vào sông Ba (An
Khê, Gia Lai) mặc cho dân ở đây nhiều năm liền kêu cứu…
Nhà máy tinh bột sắn của công ty Veyu ở An Khê gây ô nhiễm sông Ba |
Sáng 29/9,
chúng tôi có mặt tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Khê (Gia Lai) để tìm hiểu
sự việc.
Sau khi xem
thẻ nhà báo và hỏi kỹ nội dung chúng tôi đăng ký làm việc nhân viên bảo vệ nhà
máy nhấc điện thoại gọi vào trong rồi trả lời: “Các sếp bận họp, hẹn các anh dịp
khác”. Song thời gian đến khi nào không ai trả lời.
Không phải đến
nay, khi thông tin về nước thải của công ty Vedan đổ tràn ra sông Thị Vải,
dân ở dọc sông Ba mới kêu than về tình trạng ô nhiễm dòng sông này.
Hơn chục năm
nay kể từ khi Xí nghiệp liên doanh TAPIOCA Việt – Thái đi vào hoạt động (Vedan
mua lại nhà máy này từ tháng 11/2005) hàng trăm hộ dân sống ven khu vực này đã
gửi đơn kêu nhiều nơi. Song tất cả đâu lại vào đấy.
Ông Phan Văn
Phê một người trước đây sống bằng nghề chài lưới trên sông Ba, tiếp chúng tôi
trong tâm trạng bực tức: “Dòng sông này nổi tiếng với nhiều loại cá như cá
niên, chình, cá đá, tôm, cua nghêu, hến... song nhiều năm nay khi nhà máy tinh
bột sắn, nhà máy đường, nhà máy ván ép thải nước xuống làm dòng sông ô nhiễm trầm
trọng, không loài tôm cá nào sống nổi. Chúng tôi cũng đành bỏ nghề từ nhiều đời
đã gắn bó với dòng sông”.
Chị Phan Thị
Mỹ Huệ, ở tổ 1 phường Tân An, An Khê, bức xúc: “Hoa màu của nhà tôi và nhiều bà
con trồng trên đồng lâu rồi mùa khô phải tưới nước sông Ba. Nhiều năm đến mùa
khô các nhà máy này thải nước khiến tưới hoa màu làm chết queo hết. Trâu, bò,
ngựa của cư dân quanh vùng nhiều đời nay sống được nhờ nước sông Ba song bây giờ
cũng phải uống nước giếng, nước máy với người”.
Anh Nguyễn
Văn Nhung sống gần nhà máy Veyu cho biết ngoài việc thải nước xuống sông gây ô
nhiễm, mùi các chất thải khiến bầu không khí quanh khu vực nhà máy quanh năm
hôi thối không thể chịu nổi. Cả gia đình anh bốn người ai cũng mắc chứng đau đầu.
Đi khám bác sĩ bảo do hít phải khí độc. Nhiều lần vợ anh bàn nên bán nhà đi chỗ
khác song không ai dại gì đến đây mua. Cái vòng luẩn quẩn thế kéo dài hết năm
này qua năm khác.
Chịu phạt và tiếp tục gây ô nhiễm
Tháng
4/2008, Cục Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên&Môi trường, tiến hành thanh tra tình hình ô nhiễm
tại nhà máy tinh bột sắn của công ty Veyu. Theo kết luận của đoàn kiểm tra, chất thải
phát sinh trong quá trình hoạt động của nhà máy này gồm khối lượng nước thải là
450m3 ngày phát sinh từ quá trình sản xuất, được xử lý bằng bể lắng cặn, thu hồi
protein sau đó chảy qua tám hồ tùy nghi rồi thải thẳng vào sông Ba. Tuy nhiên
không ít chất cặn bã đã rò rỉ ra môi trường xung quanh.
Quá trình
hoạt động nhà máy này cũng chưa được cấp phép khai thác, sử dụng nguồn nước mặt
và xả nước thải vào nguồn tiếp nhận theo quy định. Đặc biệt hàng năm nhà máy có
một lượng chất thải rắn rất lớn khoảng 21.000 tấn bã sắn tươi, bùn thải nạo vét
từ các hồ sinh học.
Nhiều chất
thải nguy hại phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất như dầu nhớt thải, dầu
nhớt thu hồi từ các bể bẫy dầu của hệ thống xử lý nước thải. Khí thải từ quá
trình đốt dầu FO…
Theo lãnh đạo
Sở Tài nguyên&Môi trường Gia Lai, từ khi hoạt động đến nay Nhà máy tinh bột sắn An Khê đã nhiều
lần bị xử phạt, song đâu lại vào đấy. Lần xử phạt nặng nhất là năm 2003, với 40
triệu đồng. Ngày 30/6/2008 vừa qua Sở Tài nguyên&Môi trường Gia Lai cũng ra quyết định xử phạt
13 triệu đồng, song mọi sự vẫn không có dấu hiệu chuyển biến.
Tương tự như
những sai phạm của nhà máy tinh bột sắn, nhà máy đường An Khê và nhà máy chế biến
ván ép An Khê (Cty MDF) cũng xả nước thải chưa được xử lý triệt để ra sông Ba.
Tháng
6/2008, Thanh tra Sở Tài nguyên&Môi trường Gia Lai đã xử phạt Cty MDF Gia Lai 11 triệu đồng, Nhà máy đường An
Khê (thuộc công ty cổ phần đường Quảng Ngãi) 11 triệu đồng về việc xả nước thải ra
môi trường.
Việc xử lý
nghiêm các nhà máy gây ô nhiễm sông Ba rất cần có biện pháp kiên quyết. Tránh
trình trạng như nhiều năm qua, các doanh nghiệp này vẫn cứ nộp phạt và thải nước
bẩn ra sông. Sông Ba qua An Khê là thượng nguồn của nhiều công trình thủy điện ở
phía hạ lưu trước khi dòng sông này chảy qua Ayunpa, Krông Pa xuống Phú Yên rồi
đổ vào biển Đông.
(Theo Tiền Phong)