Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thầy giáo về quê nuôi lợn

(08:33:06 AM 10/08/2012)
(Tin Môi Trường) - Với mức lương 500.000 đồng/tháng, sau 2 năm đứng trên bục giảng, Thạch chẳng dành dụm được đồng nào gửi về cho vợ con, Thạch quyết định về quê lập nghiệp.

Năm 1983, tốt nghiệp THPT, Phạm Ngọc Thạch (xóm 5, xã Sơn Hà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) thi vào Trường ĐH Sư phạm Vinh, nhưng kết quả không được như mong đợi. Để có tiền tiếp tục đi thi, Thạch xin vào làm công nhân một công ty xây lắp ở TP. Vinh. Nhưng rồi công ty giải thể, Thạch xin gia nhập nhóm thợ xây ở TP.Vinh.

 

Lấy vợ rồi có con, cuộc sống thiếu thốn, ở quê lại không có việc làm, Thạch khăn gói vào miền Tây làm thuê. Làm một thời gian, thấy ở đây rất thiếu giáo viên, trong Thạch lại trỗi dậy niềm khao khát được đứng trên bục giảng. Và Thạch đã thi đỗ vào ngành Toán - Lý của Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang. Năm 1990, tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, Thạch về nhận công tác tại Trường THCS Tân Phước (thị trấn Tân Phước, Tiền Giang).

 

Anh Thạch chăm sóc đàn lợn.

 

Song, với mức lương 500.000 đồng/tháng, sau 2 năm đứng trên bục giảng, Thạch chẳng dành dụm được đồng nào gửi về cho vợ con. Thương vợ con, Thạch nộp đơn xin nghỉ dạy để đi đánh cá thuê trên biển. Tuy thu nhập khá nhưng hàng ngày lênh đênh trên biển, may ít, rủi nhiều nên sau đó Thạch quyết định về quê lập nghiệp.

 

Chỉ có 1 triệu đồng góp nhặt sau những tháng ngày đi biển, sau nhiều lần bàn tính, vợ chồng Thạch quyết định đầu tư nuôi lợn. Không có vốn, vợ chồng anh chỉ mua 1 con lợn nái và làm chuồng trại đơn giản. Những con lợn giống đầu tiên ra đời, vợ chồng anh chưa kịp mừng thì khó khăn ập đến... Đàn lợn không được chăm sóc đúng kỹ thuật nên mắc bệnh và chết. Mất của, tiếc nhưng không nản, Thạch lặn lội tới các trang trại lớn ở Thanh Hóa, Nghệ An tìm hiểu kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc, cách chọn giống lợn...

 

Trở về, anh vay ngân hàng 15 triệu đồng đầu tư xây chuồng trại và mua 2 con lợn nái. Do am hiểu kỹ thuật chăn nuôi nên đàn lợn của anh tăng lên 150 con rồi 200 con. Hàng năm, anh xuất ra thị trường hơn 15 tấn lợn thịt và gần 100 con lợn giống. Thời điểm cao nhất, tổng thu nhập của gia đình anh lên tới trên 500 triệu đồng/năm. Hiện, mỗi tháng trừ chi phí đầu tư, vợ chồng anh thu từ 15-20 triệu đồng. Gia đình anh Thạch là một trong những hộ nuôi lợn có quy mô lớn nhất huyện Hương Sơn.

 

Anh chia sẻ: “Lúc đầu, ai cũng nói tôi dại, bỏ dạy học về lội ruộng cho khổ. Nhưng tôi phát hiện ra, Hương Sơn có lợi thế không chỉ nuôi hươu, nuôi bò mà cả nuôi lợn, gà vì ở đây ít dịch bệnh. Nhờ chăn nuôi mà gia đình tôi mới có được như ngày hôm nay... 

(Nguồn: Dân Việt)