Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trong khi, những người có lương tri với thế giới muôn loài đang tìm cách bảo tồn những loài động vật có nguy cơ biến khỏi trái đất, thì lại có những con người sát hại chúng, lại còn đưa lên mạng cho mọi người cùng xem như thể khoe “chiến tích”.
Nhân câu chuyện đau lòng này, tôi xin được kể vài mẩu chuyện về những con người vẫn từng ngày âm thầm hy sinh cả tiền bạc, thời gian, tâm sức để cứu thế giới linh trưởng, loài vật được coi là tổ tiên của con người.
Ba của khỉ con
Trong những ngày thế giới mạng đang bức xúc về vụ giết voọc như chiến tích, thì tôi được nghe mấy đồng chí kiểm lâm rừng U Minh Hạ (Trần Văn Thời, Cà Mau) kể về anh Nguyễn Tấn Truyền, cán bộ khoa học của Vườn quốc gia U Minh Hạ. Theo các đồng chí kiểm lâm, thì anh Truyền là một người yêu rừng, yêu các loài động vật trong rừng hơn cả tính mạng mình.
Chuyện anh chăm chú khỉ con chẳng khác gì người cha chăm lo cho đứa con nhỏ mồ côi mẹ. Chuyện ấy khiến nhiều người ở xã Trần Hợi xúc động lắm, lấy đó làm câu chuyện giáo dục con trẻ tình yêu thiên nhiên.
|
Chú khỉ con ngày mới được anh Truyền đem về nuôi. |
Tôi gặp anh Nguyễn Tấn Truyền khi anh đang tất bật với các tư liệu, ảnh chụp về các loài vật để làm bài giảng giáo dục thiên nhiên cho các cháu nhỏ. Anh cho tôi xem tấm hình con cá lóc, thứ đặc sản khá phổ biến ở vùng ngập nước này. Nhưng, con cá lóc ấy có cái đầu to tướng, mà cơ thể lại bé xíu, dài đuỗn. Nó bị dị dạng bởi người săn cá dùng chích điện. Một tấm ảnh thật đơn giản, nhưng nói lên nhiều điều.
Nhắc đến chú khỉ mà anh nuôi dưỡng, đôi mắt anh chợt buồn. Anh dẫn tôi lang thang vào U Minh Hạ, cất tiếng kêu nhái khỉ hót, gọi xem chúng có đáp lời không.U Minh Hạ rộng mênh mang, chẳng biết bọn khỉ lạc về phương nào.
|
Cho khỉ bú sữa. |
Chuyện anh gặp và cứu chú khỉ con diễn ra vào năm 2010. Hôm đó, anh là chốt trưởng, trực phòng cháy rừng. Ở chốt có 4 anh em, cứ thay nhau 1-2 tiếng lại lên chốt nhòm tứ phía để xác định đám cháy, cấp cứu kịp thời.
Khoảng 8h sáng, anh vào rừng tuần tra. Đi một lát, thì nghe tiếng rên khe khẽ trong bụi rậm. Vạch bụi cỏ, thì thấy một chú khỉ con, bé bằng con chuột ngồi co ro.
Quan sát xung quanh, anh Truyền biết rằng, địa điểm anh phát hiện chú khỉ con từng bị đặt bẫy. Khỉ con lúc nào cũng bám bụng mẹ. Dù mẹ chết cũng không rời. Theo dự đoán của anh, khỉ mẹ bị dính bẫy, không thoát thân được, nên đã quăng chú khỉ con vào bụi rậm, với hy vọng bầy đàn sẽ phát hiện và cứu sống nó.
|
Quan sát thực địa, anh Truyền thấy rằng, bẫy đã được đem đi, khỉ mẹ đã bị bắt từ đêm hôm trước. Chú khỉ con lạc mẹ, rét run cầm cập, đói lả người. Anh Truyền nhét khỉ con vào trong áo, lấy cơ thể mình ủ ấm cho nó, rồi cấp tốc về Vườn quốc gia.
Anh lấy dầu gió thoa khắp cơ thể, để nó ấm lên. Anh cắt thùng mì tôm làm ổ cho nó. Dùng đèn chụp sưởi ấm cho nó.
Chú khỉ vừa mới sinh, đứng chưa vững, nên đưa gì nó cũng tròn mắt nhìn, không ăn được. Ngẫm nghĩ một lát, anh chợt nhớ đến anh bạn có vợ mới đẻ, thế là anh phóng xe gần 10km, mượn chiếc bình sữa cho trẻ con bú.
Anh mua sữa tươi, đun ấm, đổ vào bình sữa, rồi cho nó bú như trẻ nhỏ. Nhưng khỉ mới sinh, cái miệng bé xíu bằng đầu đũa, không thể há được để ngậm vú giả. Anh phải vạch miệng nó, rồi kiên trì nhỏ từng giọt.
|
|
Quấn quýt với ba Truyền. |
Mỗi bữa cho khỉ ăn, mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Dù đi đâu, làm gì, cứ 3-4 tiếng anh phải về cơ quan cho khỉ ăn. Nó không ăn bất cứ thứ gì từ tay người khác. Phòng làm việc của anh biến thành căn phòng chăm bẵm chú khỉ con.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, rồi chú khỉ cũng biết leo trèo. Nó tự cầm bình sữa bú cạn. Anh cũng đỡ vất vả hơn. Tiền lương của anh, dành một phần lớn mua sữa cho khỉ uống. Con cái anh lớn lên như cây như cỏ, chẳng mấy khi được uống sữa tươi như chú khỉ mồ côi này.
|
Chú khỉ trưởng thành. |
Hôm đầy tháng, anh Truyền cùng anh em kiểm lâm xách giỏ vào sâu Vườn quốc gia U Minh Hạ mò cá. Các anh mò được một sâu cá lóc, rô, lươn. Hôm đó, Vườn quốc gia U Minh Hạ mở tiệc cá hoành tráng, toàn là cá nướng trui thơm phức. Lại có cả bánh sinh nhật. Khỉ được đeo vòng cổ tết bằng hoa, ngồi ở vị trí trung tâm bữa tiệc.
Đêm đó anh em kiểm lâm chúc rượu tưng bừng, mừng khỉ con đầy tháng tuổi.
Khỉ càng lớn càng quấn quýt ba Truyền. Anh đi đâu, nó cũng đi theo. Níu chân quyến luyến không rời. Nịnh nọt mãi nó mới chịu ở nhà. Anh đi rừng về, nó đánh hơi từ xa, chạy ra đầu ngõ đón, nhảy phóc lên cổ ba Truyền hôn rối rít.
Có hôm, anh sắp về đến nhà, mà không thấy nó ra, anh bồn chồn lo lắng. Không ngờ, vừa bước vào nhà, nó xổ ra dọa, rồi cười ngặt nghẽo. Nó cũng biết học trẻ con trò nhát ma.
Nhưng rồi, một ngày, anh dẫn nó vào chốt giữa U Minh Hạ ở vài ngày. Nó đã rời xa anh vĩnh viễn.
Bọn khỉ thường xuyên về chốt cướp đồ, xin ăn của anh em kiểm lâm. Anh em thường phải kiếm mấy buồng chuối treo trước chốt, để chúng có mò về thì có cái mà ăn, không trộm đồ của kiểm lâm.
Hôm đó, đang ngủ trưa cùng khỉ, thì anh nghe tiếng bọn khỉ ríu ríu trong rừng. Lát sau, cả bọn khỉ vây quanh chốt kiểm lâm.
Chú khỉ đang ngủ cùng anh chồm dậy, chạy ra ngoài. Thấy đồng loại, nó chạy nhảy tung tăng, rất sung sướng.
Cả bọn kéo đi. Chú khỉ cứ bần thần ngần ngại, lúc nhìn ba Truyền, lúc nhìn đồng loại của nó. Nó muốn theo đồng loại để vùng vẫy rừng hoang, nhưng lại không nỡ xa người nuôi nó từ nhỏ.
Chú khỉ nước mắt ròng ròng. Ba Truyền cũng nước mắt ngắn dài. Lấy can đảm, anh bảo: “Con đi đi”. Chú khỉ nhảy tót lên cây, rồi mất hút vào rừng. Tiếng hót của nó ai oán, xa dần.
Một năm nay, anh đã có cả chục chuyến xuyên U Minh Hạ điều tra các loài thú, nhưng anh chưa gặp lại khỉ con của mình. Mỗi chuyến đi rừng, anh đều chu miệng hót gọi nó. Anh chợt bần thần mỗi khi nghĩ đến những chiếc bẫy khỉ đặt trộm trong đại ngàn U Minh Hạ.
Chủ tịch xã ngược xuôi cứu voọc quý
Ông chủ tịch xã Nguyễn Văn Tiến. |
Trong đời làm báo của mình, tôi ấn tượng mãi với ông Chủ tịch xã Sơn Tây (Hương Sơn, Hà Tĩnh) Nguyễn Văn Tiến. Ông có dáng nông dân, chân chất, nhai trầu bỏm bẻm, nhưng yêu rừng tha thiết. Ông tố cáo cả quan chức cấp tỉnh vì tội để mất rừng. Ông dẫn tôi xuyên rừng chỉ mặt, vạch tên từng đầu nậu, lâm tặc, từng thợ săn sát hại thú quý.
Rừng bị phá, những con thú cuối cùng đang bị tận diệt. Những loại thú quý được ghi trong sách đỏ mỗi ngày lại vắng bóng trong rừng Hương Sơn, trong khi đó chúng xuất hiện rất nhiều trong những bình rượu lớn ngâm ở những quán đặc sản thú rừng ngoài thị trấn. Ông Tiến nhìn đàn thú bị tận diệt mà xót lòng, nhưng ông cũng chẳng biết làm cách nào.
Năm 2004, có một nghĩa cử cao đẹp với rừng của ông Tiến khiến ai cũng cảm phục, ấy là việc ông tìm cách cứu sống một chú voọc quý.
Nghe tin ông Tuấn ở Chi Lời đang nhốt một con voọc 7 màu, ông Tiến tìm vào ngay trong đêm cùng với dân quân, công an xã. Ông Tiến đòi tịch thu, song vợ chồng ông Tuấn khóc lóc xin tha.
Ông Tuấn bảo vừa vay mượn khắp nơi mua con voọc với giá 7 triệu đồng của đám thợ săn, định hôm sau bán kiếm lời đôi chút.
Nghĩ thu trắng của người ta cũng tội nghiệp, ông Tiến liền đi kêu gọi người dân trong xã quyên góp mua lại con voọc để… thả vào rừng. Tuy nhiên, chẳng ai ủng hộ ông. Vợ ông cũng phản đối gay gắt cái ý tưởng điên rồ ấy. Sau mấy đêm trằn trọc, ông cũng nghĩ ra cách.
Ông phóng xe máy hơn trăm cây số xuống thị xã Hà Tĩnh, gặp ông Lê Quang Úy, Giám đốc Dự án bảo tồn đa dạng sinh học dãy Bắc Trường Sơn. Ngay lập tức, ông Úy cùng ông Tiến chạy vạy khắp nơi xin tài trợ cho kỳ được 7 triệu đồng để mua lại con voọc. Con voọc 7 màu rất đẹp được tặng cho Vườn quốc gia Cúc Phương.
Vụ ấy, báo chí ca ngợi ầm ĩ những người có trách nhiệm với thiên nhiên, nhưng chẳng mấy ai biết đến ông Tiến, người đã chạy ngược, chạy xuôi tìm mọi cách để cứu con voọc.