Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Xử lý rác: Bài toán khó và những hệ lụy khôn lường

(09:30:56 AM 09/08/2012)
(Tin Môi Trường) - Cả nước thải ra 28 triệu tấn rác/ năm. Thế nhưng, việc thu gom xử lý đạt chuẩn chỉ 100 nghìn tấn/năm. Chưa hết... Mức “tăng trưởng” của rác lên đến 10% mỗi năm. Kéo theo đó, là những hệ lụy về mặt xã hội...

Theo báo cáo môi trường quốc gia 2011 bộ TN-MT vừa công bố chiều 7/8, trong giai đoạn hiện nay lượng chất thải không ngừng gia tăng.

Ngày càng nhiều rác

Kết quả khảo sát của Tổng cục môi trường cho thấy, lượng chất thải rắn (hiểu nôm na là rác thải các loại, bao gồm rác sinh hoạt, rác công nghiệp, rác y tế...) thông thường phát sinh trong cả nước vào khoảng 28 triệu tấn/năm, trong đó rác công nghiệp thông thường là 6,88 triệu tấn/năm, rác sinh hoạt khoảng 19 triệu tấn/năm. Rác y tế khoảng 2,12 triệu tấn năm. Riêng chất thải nguy hại (loại rác công nghiệp đặc biệt nguy hiểm, ở thể rắn hoặc lỏng, có đặc điểm dễ cháy, nổ, ăn mòn, gây nhiễm trùng) năm 2010 đã phát sinh tới 700 triệu tấn/năm.

Con số về rác không ngừng gia tăng trong khi thực tế tại các địa phương các đơn vị có đủ tiêu chuẩn thu gom xử lý chỉ đạt... 100 nghìn tấn/năm. 

Rác phát sinh chủ yếu ở 2 khu đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM với tổng lượng 8000 tấn/ngày. Lượng rác ở hai thành phố này chiếm tới hơn 45% lượng rác sinh hoạt phát sinh từ tất cả các đô thị trong cả nước. Tuy nhiên, theo Bộ TN-MT, sau khi Hà Nội mở rộng, lượng CTR đã phát sinh lên đến 6.500 tấn/ngày, trong khi năm 2007 chỉ là 2.600 tấn/ngày.

 

Rác phát sinh chủ yếu ở 2 khu đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM với tổng lượng 8000 tấn/ngày...

 

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục môi trường cho biết, điều đáng lo ngại là chất thải nguy hại trong rác sinh hoạt vẫn chưa được thu gom và xử lý riêng. Điển hình như pin, đèn tuýp, nhiệt kế thủy ngân vỡ, bao bì chất tẩy rửa, vỏ hộp sơn… Các chất này bị lẫn trong rác và đưa đến chôn lấp chung với rác sinh hoạt tại các bãi rác. “Việc này gây ảnh hưởng tới quá trình phân hủy rác và hòa tan các chất nguy hại vào nước rỉ rác, gây ô nhiễm môi trường”, ông Tùng nói.

Những hệ lụy khôn lường

Hiện chưa có số liệu đánh giá đầy đủ về sự ảnh hưởng của các bãi chôn lấp tới sức khỏe của những người làm nghề nhặt rác thải và sống cạnh bãi rác. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Viện Y học lao động được thực hiện năm 2009 tại Lạng Sơn cho thấy, tỉ lệ người ốm và mắc các bệnh như tiêu chảy, da liễu, hô hấp… tại khu vực chịu ảnh hưởng của bãi rác cao hơn hẳn so với khu vực không chịu ảnh hưởng (tỉ lệ đau xương của nhóm đối chứng chưa đến 15%, song khu vực cạnh bãi rác là hơn 20%, ho viêm phế quản gần 20% trong khi nhóm đối chứng chưa đến 10%).

Theo Sở TN-MT TP.HCM, hiện việc chi phí xử lý rác đang trở thành gánh nặng đối với thành phố này. Theo tính toán chi phí xây dựng, vận hành ở bãi rác Phước Hiệp thì giá thành xử lý mỗi tấn rác khoảng 20 USD với lượng rác xử lý là 430.000 tấn/năm. Như vậy chỉ tính riêng ở Phước Hiệp, mỗi ngày thành phố đã phải tốn đến 60.000 USD tiền xử lý rác. Còn tại bãi rác Đa Phước là khoảng 48.000 USD/ngày. Đây thực sự là một gánh nặng cho thành phố.

Ông Hoàng Dương Tùng nêu một thực tế, sự xung đột môi trường xảy ra trong xã hội ngày càng nhiều. Trong quản lý rác, xung đột môi trường chủ yếu phát sinh do việc lưu giữ, vận chuyển, xả thải chôn lấp không hợp vệ sinh. Xung đột giữa doanh nghiệp, nhóm xã hội trong làng nghề, các hoạt động tiểu thủ công nghiệp… cũng phát sinh nhiều từ rác.

Trước thực trạng này, Bộ TN-MT kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần rà soát và điều chỉnh định hướng, chiến lược BVMT quốc gia, trong đó có chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn (CTR); rà soát điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR liên vùng, liên tỉnh theo hướng xây dựng khu xử lý CTR thông thường riêng cho các địa phương, xây dựng khu xử lý chất thải nguy hại liên vùng, liên tỉnh. Các địa phương tập trung nhân lực, vật lực và tài lực để xây dựng trình Chính phủ phê duyệt các chương trình, đề án quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc về CTR.  

(Nguồn: Đất Việt)