Hiện nay, một nhóm các nhà thiên văn học tại đại học Bonn (Đức) đã tìm ra một cách lí giải mới: những ngôi sao siêu lớn được tạo thành là do các sao đôi va chạm và hợp lại.
Đám mây Magellanic Lớn (LMC) cách Ngân hà của chúng ta khoảng 160.000 năm ánh sáng và có khoảng 10 tỉ ngôi sao. LMC có rất nhiều vùng hình thành sao. Cho tới nay, khu vực hoạt động tích cực nhất chính là Tarantula Nebula (còn gọi là 30 Doradus), nơi 4 ngôi sao siêu lớn được tìm thấy. Gần trung tâm của Tarantula Nebula là siêu quần tinh R136, vùng hình thành sao sáng nhất trong toàn thể hơn 50 thiên hà (tính cả Ngân hà của chúng ta).
Trước khi những ngôi sao khổng lồ được phát hiện, những quan sát trong các thiên hà đưa ra một giá trị giới hạn rằng các ngôi sao hình thành ngày nay chỉ có thể lớn gấp 150 lần Mặt trời.
Bốn ngôi sao siêu lớn siêu sáng đã trở thành ngoại lệ khi vượt qua giá trị giới hạn đó.
Nhóm các nhà khoa học ở Bonn đã mô phỏng tương tác giữa các ngôi sao ở một chòm sao tương đồng với R136 trên máy tính. Trong đó, chòm sao có hơn 170.000 ngôi sao rất gần nhau với kích thước thông thường.
Siêu quần tinh R136, nơi 4 ngôi sao "quái vật" được tìm thấy năm 2010.
Để tính toán thay đổi của hệ thống sao theo thời gian, các nhà khoa học phải giải 510.000 phương trình rất nhiều lần. Sở dĩ, mô hình này trở nên phức tạp như vậy là bởi hiệu ứng của phản ứng hạt nhân, năng lượng giải phóng từ mỗi ngôi sao và kết quả khi các sao va chạm.