Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sao la , động vật quý đang ngày càng hiếm - Ảnh minh họa
Kiên quyết bác bỏ
Mới đây, WWF đã thông qua một bản báo cáo về tình trạng bảo vệ động vật hoang dã trên thế giới. Theo đó, Việt Nam đã bị tổ chức này liệt vào danh sách là một trong các quốc gia có việc thực thi bảo vệ động vật hoang dã kém nhất thế giới và phải nhận “thẻ phạt” màu đỏ đối với 2 loài tê giác và hổ.
Tổ chức này cũng đánh giá hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật của Việt Nam là không đáng tin cậy và xếp Việt Nam là quốc gia cuối cùng (yếu kém nhất) trong bảng đánh giá năng lực kiểm soát hoạt động buôn bán động vật hoang dã.
Trước những thông tin mà WWF công bố, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam – cơ quan đại diện Chính phủ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã có văn bản gửi Bộ Ngoại giao, Cục Báo chí (Bộ TT-TT) khẳng định kiên quyết bác bỏ và phản đối những thông tin đánh giá thiếu khách quan và toàn diện mà WWF đưa ra.
Ông Đỗ Quang Tùng, Phó Giám đốc Cơ quan CITES Việt Nam cho biết, thông tin trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và nỗ lực thực thi luật pháp của Việt Nam trong cuộc chiến chống buôn bán bất hợp pháp các loài động vật hoang dã theo công ước quốc tế, trong đó Việt Nam là thành viên. Trong những năm gần đây, Việt Nam hết sức nỗ lực trong việc bắt giữ một số lượng lớn các vụ vận chuyển trái phép mẫu vật loài động vật hoang dã có nguồn gốc từ nước ngoài.
Từ năm 2000 đến nay, đã bắt giữ trên 50 vụ buôn bán trái phép mẫu vật hổ có nguồn gốc từ nước ngoài đưa vào Việt Nam cùng hàng trăm kilôgam sừng tê giác. Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt giữ 3 vụ vận chuyển, buôn bán trái phép mẫu vật hổ cùng 2 vụ vận chuyển buôn bán sừng tê giác (có trọng lượng gần 30kg)…
Đây là những bằng chứng chứng minh cho những nỗ lực góp phần không nhỏ của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn buôn bán quốc tế trái phép động vật hoang dã.
Đánh giá phiến diện
Về quản lý bảo tồn động vật hoang dã nói chung và đối với hổ và tê giác nói riêng, Việt Nam chỉ cho phép nuôi hổ với mục đích bảo tồn, nghiêm cấm mọi hành vi nuôi vì mục đích thương mại, điều này là không trái với những quy định của CITES cũng như pháp luật quốc gia. Các cơ sở được phép nuôi hổ thí điểm từ năm 2007 đều tuân thủ đúng những quy định của CITES.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng liên tục kiểm tra, giám sát việc nuôi hổ của các cơ sở này, không những không phát hiện ra sai phạm nào trong việc buôn bán, tiêu thụ hổ, mà gần đây còn ghi nhận những thông tin rất tích cực, đơn cử như hổ nuôi tại Khu du lịch sinh thái Trại Bò (Diễn Lâm, Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đã sinh nở 2 hổ con rất khỏe mạnh.
“Bản báo cáo đánh giá xếp hạng của WWF chỉ căn cứ vào 3 loài là hổ, voi và tê giác. Không những thế, báo cáo này thực chất chỉ là sự tổng hợp, phân tích và đánh giá dựa trên thông tin không chính thống từ các tổ chức phi chính phủ, thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng và một số cá nhân, hoàn toàn không có sự tham vấn với các cơ quan thực thi pháp luật ở các nước. Vì thế, nó thiếu tính toàn diện và khách quan”, ông Đỗ Quang Tùng nhận định.
Đặc biệt, cách tính điểm về tội phạm để xếp hạng, WWF chỉ căn cứ trên việc cứ nước nào bắt giữ nhiều vụ vi phạm về buôn bán động vật hoang dã thì được xếp vào nước có mức độ về phạm tội loài hoang dã cao. Với cách tính như vậy, WWF đã loại trừ những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi pháp luật và ngăn chặn nạn buôn bán, sử dụng trái phép sản phẩm động vật hoang dã. Theo ông Tùng, đây không phải là lần đầu tiên WWF đưa ra những công bố hết sức mơ hồ, gây tổn hại đến cả uy tín và kinh tế của Việt Nam, gần đây nhất là việc tổ chức này từng đưa cá tra, cá rô phi vào “sách đỏ”, rồi tới tôm thẻ chân trắng, hàu Thái Bình Dương vào loài xâm hại nguy hiểm.
CITES Việt Nam bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách nhìn nhận phiến diện và thiếu khách quan của WWF, khẳng định sẽ đấu tranh để đòi lại sự công bằng, có cách đánh giá khách quan và toàn diện hơn về những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình bảo vệ các loài động vật hoang dã.