Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thay vì cải thiện môi trường, điều hòa không khí và tạo cảnh quan đẹp cho thủ đô, Sông Nhuệ giờ đang chết và trở thành nguồn gây ô nhiễm nặng, gián tiếp hoặc trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu dân.
>> Nhuệ Giang chết dần giữa lòng Hà Nội
Ai giết dòng sông
Hóa chất từ nguồn nước thải tại xã Dương Nội, Hà Đông nhuộm đỏ Sông La Khê (nhánh của Sông Nhuệ) Ảnh: P. Sưởng |
Bà Trần Thị Tuyết Hạnh, phó giám đốc công ty thủy lợi Sông Nhuệ, cho biết, tình trạng ô nhiễm dòng sông diễn ra từ hơn mười năm trở lại đây nhưng ô nhiễm mạnh nhất thì từ bốn năm qua.
Nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho dòng sông Nhuệ chính xuất phát từ 30-40 làng nghề nằm ven sông. Hàng ngày các làng nghề đổ trực tiếp nước thải không qua xử lý hoặc xử lý tạm ra dòng sông.
Khu vực Hà Đông có làng nghề dệt Vạn Phúc, làng nghề nhuộm, in Dương Nội, làng dao kéo Đa Sĩ...Rồi hàng loạt các làng nghề làm da trâu, da bò, làng nghề bông vải sợi, làng chạm khảm, làng làm tương ở các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên...
Hơn thế, Sông Nhuệ còn gánh trọn vẹn 500.000 m3 nước thải/ngày, đêm của Hà Nội chưa qua xử lý đổ vào. Chỉ tính trung bình mỗi người Hà Nội dùng 0,2 kg bột giặt/tháng, với dân số ba triệu người, mỗi ngày dòng Sông Nhuệ tiếp nhận trên 20 tấn chất tẩy rửa.
Vào mùa kiệt, lượng nước thải này có khi chiếm một phần ba dung tích dòng sông. Vì lẽ đó, Sông Nhuệ đậm đặc hóa chất và chất thải hữu cơ.
Góp phần làm cho Sông Nhuệ thêm ô nhiễm nặng phải kể đến nguồn nước thải từ các nhà máy phân lân Văn Điển, nhà máy pin Văn Điển, các nhà máy thuốc lá Thăng Long, nhà máy Xà phòng, nhà máy cao su Sao Vàng và nước thải từ các nhà máy tại khu công nghiệp Vĩnh Tuy như công ty giày da, công ty nhựa Thành Đạt, nhà máy bia Việt Hà, nhà máy dệt 8/3.
Đoạn Sông Nhuệ chảy qua Văn Điển (Thanh Trì) còn chịu sự thẩm thấu từ Nghĩa trang Văn Điển xuống dòng sông. Hàng loạt chất thải bệnh viện của Hà Nội cũng tìm đường đổ về sông Nhuệ.
Theo công ty thủy lợi Sông Nhuệ, hiện dòng sông hàng ngày còn phải nhận hàng chục mét khối nước có chứa hóa chất đổ ra sông do các đơn vị mạ kim loại, các đơn vị doanh nghiệp làm nghề dệt, nhuộm, in... nằm ven sông xả ra. Đây là những loại hóa chất rất nguy hại cho sức khỏe con người.
Cảnh báo về những hậu quả khôn lường
Nguồn nước thải độc hại đổ ra sông bắt nguồn từ những cơ sở nhuộm in, hai bên sông Ảnh: P. Sưởng |
Mặc dù Sông Nhuệ luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng nề bởi chứa quá nhiều chất thải hữu cơ lẫn chất thải vô cơ (hóa chất), theo bà Trần Thị Tuyết Hạnh, dân ven sông vẫn trồng rau muống ngay trên mặt nước. Hàng năm, công ty tiến hành giải tỏa cả trăm ngàn mét vuông rau muống để đảm bảo dòng chảy.
Tuy nhiên, giải tỏa xong, dân lại tiếp tục trồng. Dư luận rất mong các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu về chất lượng rau được trồng trên nguồn nước Sông Nhuệ.
Nghiêm trọng hơn, nguồn nước Sông Nhuệ mang theo bao chất thải độc hại sẽ tưới cho trên 100.000 ha ruộng vườn. Một lượng nước không nhỏ thẩm thấu xuống lòng đất và hòa vào nguồn nước ngầm cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu dân.
Điều này cũng rất cần được các nhà khoa học vào cuộc để đánh giá tác động. Trước mắt, công ty thủy lợi Sông Nhuệ cho biết, tại nhiều địa phương nằm ở khu vực ven Sông Nhuệ, số người bị mắc các bệnh như đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, bệnh tiêu chảy khá nhiều. Hơn thế nguồn nước chứa nhiều kim loại như sắt, măng gan, chì nếu dùng để sinh hoạt sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm khác...
Bà Hạnh kiến nghị thành phố Hà Nội sớm đề nghị với Chính phủ cho lập dự án “Nghiên cứu hiện trạng môi trường nước Sông Nhuệ, phương pháp xử lý chất thải gây ô nhiễm”. Chỉ khi có đề án này, chúng ta mới có thể nghiên cứu điều tra tổng thể về môi trường nước, đất, không khí sinh thái.
Qua dự án các cơ quan chức năng mới xác định rõ nguyên nhân, mức độ và nguồn chất thải gây ô nhiễm. Đặc biệt thành phố nên sớm có giải pháp cấp bách nghiên cứu và xử lý các điểm nóng về ô nhiễm tại khu vực huyện Thanh Trì và thành phố Hà Đông của Sông Nhuệ.
Theo tài liệu của công ty thủy lợi Sông Nhuệ, năm 2002, Viện Hóa học thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên&Công nghệ Quốc gia đã tiến hành khảo sát và cho kết quả đáng lo ngại: Hàm lượng NH4 là 7,72mg/l (tiêu chuẩn Việt Nam 5942-1995 là 1mg/l- gọi tắt là TCVN 95); tổng Colifom là 38.000 MPN/100ml (TCVN 95 là 10.000 MPN/100ml); hàm lượng chất rắn lơ lửng (SS là 282,7 mg/l (TCVN 95 là 80mg/l); hàm lượng BOD5 là 44mg/l (TCVN 95 là 25mg/l). Do lượng chất độc hại vượt nhiều lần mức độ cho phép nên dòng sông Nhuệ trở thành dòng sông nồng nặc mùi hôi thối và đầy độc tố. |
(Theo Tiền Phong)