Con tàu công nghệ cao nặng 1 tấn, trị giá 2,5 tỉ USD được phóng đi từ mũi Canaveral, bang Florida hồi tháng 11 năm ngoái, với tốc độ gần 21.000 km/h trước khi đáp nhẹ nhàng xuống gần chân một ngọn núi cao ở vùng hố Gale thuộc nam bán cầu của sao Hỏa.
Sự kiện này là dấu mốc đánh dấu sự mở đầu của sứ mệnh kéo dài ít nhất 2 năm để tìm kiếm các bằng chứng sự sống của “hành tinh đỏ”.
Sau giây phút hồi hộp chờ con tàu hạ cánh tới khi nhận được tín hiệu xác nhận tàu Curiosity đáp xuống bề mặt sao Hỏa an toàn được gửi về trái đất thông qua vệ tinh Odyssey của NASA, vốn đang hoạt động trên quỹ đạo quanh sao Hỏa, các kỹ sư và các nhà khoa học làm việc trong dự án Curiosity 10 năm qua tại Phòng thí nghiệm chuyển động phản lực của NASA (JPL) ở Pasadena, bang California, đã không giấu nổi niềm vui. Họ cùng bắt tay, ôm hôn nhau và không kìm được nước mắt!
Niềm vui của các nhà khoa học. Ảnh: Reuters
“Xác nhận hạ cánh. Chúng tôi đã hạ cánh an toàn trên sao Hỏa. Ôi, Chúa ơi”, đó là những thông tin các kỹ sư và các nhà khoa học làm việc trong dự án Curiosity mong mỏi suốt bao nhiêu năm qua.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chia sẻ niềm vui này với các nhà khoa học. Ông nói: "Việc hạ cánh thành công của Curiosity, phòng thí nghiệm tự hành tinh vi nhất từng đáp xuống một hành tinh khác, đánh dấu một kỳ công công nghệ chưa từng có vốn sẽ tồn tại như là cột mốc tự hào quốc gia trong tương lai xa”.
Những hình ảnh đầu tiên của con tàu đã được gửi về trái đất. Ảnh: Reuters
Quá trình Curiosity hạ cánh xuống sao hỏa được mô tả là “7 phút kinh hoàng”, khoảng thời gian con tàu thực hiện hàng loạt các thao tác tự động và đầy rủi ro để dừng lại từ vận tốc 20.000km/h.
Những hình ảnh đầu tiên của con tàu đã được gửi về trái đất, trong đó có một bức chụp bánh xe của Curiosity và bóng con tàu.