Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

5 ngôi chợ đầu mối trái cây lớn nhất Việt Nam

(07:34:54 AM 07/08/2012)
(Tin Môi Trường) - Ngày 7/8/2012, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam và Hiệp hội Trái cây Việt Nam phối hợp với Vietkings giới thiệu 5 ngôi chợ đầu mối trái cây lớn nhất Việt Nam


Nông dân bán trái cây tại chợ đầu mối- Ảnh minh họa

 

1.Chợ Long Biên (Hà Nội)

 

Chợ đầu mối trái cây Long Biên nằm ở một vị trí thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa và rất gần trung tâm Thủ đô Hà Nội ( phường Phúc Xá, quận Ba Đình). Chợ có diện tích 27.148 m2, tổng số hộ kinh doanh là 1.087 hộ, trong đó ngành hoa, trái và rau củ quả chiếm 77%.

 

Chợ Long Biên họp về đêm, bất kể trời nắng hay mưa, cứ đến 22 giờ là chợ bắt đầu hoạt động. Trên đoạn đường đê Trần Nhật Duật, hàng chục chiếc xe chở đầy ắp hàng hóa (nhiều nhất là trái cây các loại) liên tục đổ hàng xuống chợ để chuẩn bị cho một cuộc mua bán, mối lái… nhận, giao hàng tiếp tục chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

 

Trái cây ở chợ Long Biên rất nhiều chủng loại, từ: Thanh Long, cam, quýt, bưởi, mãng cầu (quả na), mít, dứa, nhãn, vải, dưa hấu… không có thứ gì ở cao nguyên có mà đây không có, không có loại trái cây gì ở miền Nam có mà ở đây không hiện diện. Mỗi ngày, lượng hàng hóa trái cây và nông sản vận chuyển đến chợ từ 250 đến 300 tấn. Đây là con số thống kê chính thức của Ban quản lý chợ Long Biên. Rầm rộ xe chở hàng đến, xe chở hàng đi… Mỗi ngày có hàng trăm xe tải lớn nhỏ ra vào như vậy. Đó chưa kể đến hàng ngàn xe thô sơ ra vào lấy hàng tấp nập…

 

2.Chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM)

 

Chợ đầu mối trái cây Thủ Đức nằm ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, ngay cửa ngõ phía Đông TP.Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và Tây Nguyên. Đây là chợ đầu mối nông sản thực phẩm và trái cây lớn nhất ở TPHCM.

 

Với lợi thế diện tích rộng (20 ha), nằm tại ven đường xuyên Á, chợ đầu mối Thủ Đức hàng ngày đón nhận hàng trăm tấn hàng hóa nông sản và rau củ quả các loại từ miền Đông, miền Tây Nam bộ chở đến. Những thương nhân kinh doanh tại chợ đầu mối Thủ Đức, mỗi đêm, doanh số mua bán lên đến hàng trăm triệu đồng. Riêng việc kinh doanh trái cây ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, phần lớn là các hộ kinh doanh ở chợ đầu mối trái cây Cầu Muối ( Quận 1) di dời về đây. Mặt hàng trái cây ở chợ đầu mối Thủ Đức cũng đa chủng loại. Mùa nào trái đó: thanh long, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bưởi, cam, quýt, nho, ổi, mận… không biết cơ man nào kể cho hết. Người mua kẻ bán, công nhân bốc xếp, nhân viên trật tự… hoạt động liên tục suốt đêm ngày để hàng hóa được phân phối đi khắp nơi trong nước…

 

3.Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)

 

Chợ nổi Cái Răng là chợ trên sông, gần cầu Cái Răng, thuộc quận Cái Răng, cách trung tâm thành phố Cần Thơ chừng 6 km đường bộ. Đây là chợ đầu mối chuyên mua bán sĩ hoặc trao đổi các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là trái cây ở miền Tây Nam bộ.

 

Chợ nổi Cái Răng hình thành từ xa xưa, lúc phương tiện giao thông đường bộ chưa phát triển, đi lại chủ yếu bằng ghe thuyền. Ngày nay, giao thông đường bộ đã phát triển nhưng chợ nổi trên sông phải vì thế mà giảm đi, ngược lại càng phát triển mạnh hơn.

 

Những mặt hàng trái cây ở chợ nổi Cái Răng đều đã được phân loại chất lượng, kích cỡ đồng đều. Chợ thường họp từ lúc trời còn tinh mơ và đến khoảng 9, 10 giờ sáng thì vãn khách dần. Giờ cao điểm từ 7 – 8 giờ. Mỗi năm chợ chỉ ngưng hoặc động vào các ngày Tết Nguyên Đán và Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch).

 

Các loại trái cây như: dừa, sầu riêng, bưởi, chôm chôm, nhãn, dưa hấu sơ-ri, dứa (khóm), đu đủ, sa-pô-chê… trên những ghe, xuồng hằng hà sa số…

 

4.Chợ nổi An Hữu - Cái Bè (Tiền Giang)

 

Nằm dọc theo cù lao Tân Phong trên sông Tiền thuộc thị trấn Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi trên sông An Hữu là nơi tập trung mua bán hàng hóa trái cây của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt ở đây, các mặt hàng trái cây chuyên canh của tỉnh Tiền Giang như: vú sữa Lò Rèn, bưởi da xanh, dứa(khóm) Tân Lập, quýt Cái Bè, cha-pô Mặc Bắc, cam sành… được giới thiệu đến các thương lái và người mua rất nhiều.

 

Nhờ địa bàn thuận lợi (nằm ở đoạn sông Tiền giáp ranh 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre) nên chợ nổi An Hữu luôn tấp nập thuyền bè mua bán.

 

Chợ nổi An Hữu-Cái Bè họp suốt ngày với không khí nhộn nhịp, vui vẻ trên sông nên được du khách ưa thích tham quan. Vì vậy, chợ nổi ở đây ngoài việc mua bán, chợ còn là điểm để khách du lịch lui tới. Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang nắm bắt được điều đó nên tổ chức nhiều tua du lịch tham quan chợ nổi An Hữu-Cái Bè thuộc chương trình 3, 4, 5. Khách du lịch ngoài việc thưởng ngoạn cảnh đẹp trên sông quê, nhìn ghe thuyền tấp nập qua lại, còn được thưởng thức tại chỗ các loại trái cây tươi rói thơm ngọt hoặc mua về làm quà cho gia đình và người thân.

 

5.Chợ đầu mối Cao Lãnh (Đồng Tháp)

 

Chợ đầu mối trái cây Cao Lãnh nằm tại ấp 2, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Chợ có diện tích trên 5 ha, với những công trình bảo quản trái cây như: kho lạnh, trung tâm bảo quản trái cây tươi, khu nhà lồng, cơ sở chế biến trái cây

 

Tất cả những công trình thiết kế, xây dựng ở chợ đầu mối Cao Lãnh có kinh phí lên đến 19 tỷ đồng.

 

Theo Ban quản lý chợ đầu mối Cao Lãnh thì lượng trái cây các loại tiêu thụ hàng ngày ở chợ từ 120 – 150 tấn. Ngoài ra, giống xoài cát Hòa Lộc là loại trái cây hiện nay cũng được trồng nhiều ở Cao Lãnh (56, 2 ha).

 

Hiện nay, đến mùa xoài, ngoài các loại trái cây thường xuyên có ở chợ như: bưởi, sầu riêng, vú sữa, khóm, dừa,  chuối…, nơi đây còn có xoài cát Hòa Lộc với hàng trăm tấn bỏ mối đi khắp nơi.

Việt Nam là nước có khá nhiều chợ. Chợ tỉnh, chợ thành phố, chợ quận, huyện, chợ phường, xã, chợ tự phát…, ít ra cũng phải trên vài ngàn ngôi chợ, chưa kể đến hệ thống siêu thị đang phát triển mạnh ở các đô thị. Điều đặc biệt nhất ở chợ Việt Nam là, bất cứ chợ nào dù lớn hay nhỏ cũng đều có gian hàng bán trái cây. Chợ đầu mối chuyên kinh doanh trái cây và hàng nông sản trên toàn quốc không nhiều, chỉ tập trung vào những vùng có nhiều trái cây, nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long và hai thành phố lớn là: Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Từ chợ đầu mối, hàng hóa sẽ được phân bố đi khắp các chợ trong khu vực để phục vụ người tiêu dùng. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam và Hiệp hội Trái cây Việt Nam, có 5 ngôi chợ đầu mối lớn nhất Việt Nam 

TMT