Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nhiều công ty đổ nước thải ra Sông Hồng

(00:00:19 AM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Sự việc công ty miwon xả nước thải trực tiếp ra sông Hồng chỉ là giọt nước làm tràn ly, bởi vì thực tế còn khá nhiều công ty khác cũng linh động đổ nước thải với mức độ ô nhiễm, độc hại còn cao hơn rất nhiều.

Sự việc công ty miwon xả nước thải trực tiếp ra sông Hồng chỉ là giọt nước làm tràn ly, bởi vì thực tế còn khá nhiều công ty khác cũng linh động đổ nước thải với mức độ ô nhiễm, độc hại còn cao hơn rất nhiều. 

Dòng sông sủi bọt vì ô nhiễm  

Tại khu công nghiệp phía Nam của thành phố Việt Trì (Phú Thọ), nơi đóng khoảng gần 20 nhà máy xí nghiệp dọc bờ Sông Hồng, hầu như toàn bộ các ống xả nước đen ngòm đều được vô tư đổ ra sông.

 

Đây là cổng xả nước thải của công ty dệt nhuộm Pang Rim (Hàn Quốc)

 

Có mặt tại  Phố Hồng Hà, Phường Bến Gót, TP. Việt Trì, chúng tôi được chứng kiến chỉ dọc con đê dài khoảng 1km đã có ít nhất bốn cửa xả lớn, trong đó có ống xả nước của công ty dệt, nhuộm Pangrim (công ty 100 phần trăm vốn Hàn Quốc), được đặt khá kín đáo xả liên tục khiến cho cả một đoạn sông bụi bọt sủi trắng. Nước thải đen ngòm, cả một nhánh sông gần như không có sự sống khi bặt tăm bóng dáng cá, tôm. 

 

Cửa xả thải 500 của công ty giấy Việt Trì  chỉ có duy nhất một đường dẫn nước thải lộ thiên trực tiếp đổ ra sông Hồng. Toàn bộ khu vực cửa xả bốc mùi hôi thối, tanh lợm. Vào thời điểm nước thủy triều xuống, toàn bộ khu đất bồi phù xa tràn ngập vụn vải, vụn nilong mắc lại.  Một vài loại cây trồng trên đất phù sa mà người dân canh tác ở đây gần như không thể sống nổi vì đất cũng bị ô nhiễm. 

 

Toàn bộ khúc sông dài 1km thuộc phường Bến Gót hầu như không có sự sống

 

Hơn 10 năm sống cạnh cửa xả của công ty giấy Việt Trì, gia đình chị Trần Thị Bích Lan, trú tại tổ 21, đường Hồng Hà, Phường Bến Gót, TP.Việt Trì, phải chịu đựng mùi hôi thối từ nước thải của công ty này mà không hề có một lời giải thích hay giải pháp cải thiện môi trường sống của của công ty.

 

Chị Lan cho biết: “Mỗi ngày công ty này bơm đổ ra sông khoảng ba lần một lượng lớn nước thải với thời gian bơm 5-6 tiếng/lần.  

 

Mỗi khi bơm, mùi hôi thối, tanh tưởi lại bốc lên nồng nặc. Trẻ con ở đây 100 phần trăm bị mắc bệnh viêm họng, ho sốt kéo dài vì hít phải bụi bọt bay lên từ nơi xả. Thậm chí là cả người lớn cũng mắc chứng bệnh như vậy”. 

 

Và đây là cống xả thải lộ thiên của công ty giấy Việt Trì. Màu nước ở đây không hề khác màu nước ở cống xả thải của Miwon

 

“Nước xả của công ty miwon hay giấy Việt Trì có thể nặng mùi, hôi thối nhưng so với nguồn nước thải hàng ngày tại công ty hóa chất Việt Trì hay nhà máy nhuộm của Hàn Quốc, mức độ còn thua xa. Cá tôm quanh chỗ nước thải gần như không thể sống nổi”, chủ một lò gạch ngay bên ống xả của công ty hóa chất việt Trì xin được giấu tên cho biết. 

 

Những lá đơn gửi vào im lặng  

 

Theo ông Nguyễn Trọng Tỉnh, tổ trưởng tổ 21, Phường Bến Gót, chất thải nhà máy Pang Rim hết sức độc hại. Nhiều người ở đây bị mắc bệnh vì hít phải mùi khí độc xả từ công ty này ra, nhưng công ty này không những không bị xem xét mà còn được UBND tỉnh Phú Thọ cấp thêm đất. 

 

Chúng tôi đã làm hàng chục lá đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng đóng trên tỉnh và cả các cơ quan chức năng khác trong vòng 5,6 năm nay nhưng không hề nhận được hồi âm nào cả. 

 

Chị Trần Thị Bích Lan đang bế đứa con nhỏ bị dị ứng khắp người vì bọt nước xả thải. Cái giếng bên cạnh chị đã không sử dụng được từ lâu vì nước ố vàng

 

“Bây giờ chán rồi, không nói nữa, bà con cũng để mặc mạng sống đến đâu thì đến thôi”, ông Tỉnh chán nản nói. 

 

Chị Hằng  sống trong tổ 21 rùng mình khi nói đến sự ô nhiễm này: “Khủng khiếp nhất là những hôm trời vừa mưa xong, mùi bốc từ dưới đất lên, lúc đó cảm giác như bị ngạt thở”. 

 

“Cách đây hai tháng nhiều người - vì không chịu nổi mùi - kéo lên công ty Pang Rim kiến nghị dừng xả thải. Chúng tôi được biết ngay sau đó cong ty đuổi việc bốn bảo vệ vì dám đưa dân vào kiến nghị”, ông Tỉnh nói thêm.  

 

Tiến Sỹ Bùi Phúc Khánh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Tỉnh Phú Thọ, người từng kinh qua chức danh giám đốc sở Khoa học Công nghệ&Môi trường cũng từng là người xuống cùng dân để giải quyết khiếu nại từ nhiều năm trước về vấn đề môi trường, nói: “Không thể nói vì mục tiêu kinh tế mà bỏ đi mục tiêu bảo vệ môi trường. Người ta có thể sống chung với lũ chứ không thể sống chung với ô nhiễm”.

 

(Theo VTC)