Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thắng cảnh hồ Xuân Hương (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) có diện tích 38 ha, được ví là trái tim của Đà Lạt mộng mơ, hiện tiếp tục ô nhiễm nặng.
Lâu nay, nhiều người dân sống gần khu vực hồ Xuân Hương bức xúc vì mùi hôi thối bốc lên khó chịu. Sáng 7/10, sau khi nhận được phản ánh của nhân dân, ông Đinh Bá Quang, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa Thể thao&Du lịch Lâm Đồng) đến hồ kiểm tra, xác nhận, khoảng một nửa hồ bị ô nhiễm, mùi bốc lên nồng nặc và rất khó chịu.
Thắng cảnh quốc gia hồ Xuân Hương nay đổi màu. |
Hồ Xuân Hương là túi đựng nguồn nước chảy tự nhiên từ hàng chục nhà hàng, khách sạn, hàng trăm ngàn ha đất canh tác rau, hoa của người dân và sân gofl Đà Lạt. Theo giả thiết của nhiều nhà khoa học, lượng rác thải đã chìm xuống lòng hồ và phân hủy thành chất hữu cơ, tạo môi trường phú dưỡng (lượng phốt-pho và ni-tơ cao), thuận lợi để nhiều loài sinh vật phát triển, nhất là tảo lam (Microcystis aeruginosa) thuộc nhóm vi khuẩn lam Cyanobacteria.
Đây là loài tảo độc thuộc nhóm độc tố gan, có thể gây rối loạn tuần hoàn gan, sốt xuất huyết gan đối với động vật máu nóng và tạo các khối u. Theo đó, mỗi khi có nắng, hiện tượng quang hợp diễn ra thì mặt nước hồ chuyển toàn bộ sang màu xanh rêu lềnh bềnh váng xanh và bốc mùi hôi thối.
Mùi hôi thối do tảo phân hủy từ lâu và bốc lên nồng nặc vào chiều 7/10, bay theo hướng gió và thường dồn đặc phía cầu Ông Đạo, nhà hàng Thủy Tạ, công viên mở Xuân Hương. Đây chính là những điểm du khách thường ngồi thưởng ngoạn thắng cảnh quốc gia hồ Xuân Hương.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, ô nhiễm hồ Xuân Hương là do rác từ sản xuất nông nghiệp. Việc xử lý vi phạm môi trường, UBND TP Đà Lạt giao cho các phường, xã nhưng thực hiện chưa triệt để, chưa kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Anh Hoa, Trưởng phòng Môi trường (Sở Tài nguyên&Môi trường Lâm Đồng) nói: “Có thể do phân bón, thuốc trừ sâu khu vực xung quanh và đồi Cù (sân Golf). Chúng tôi yêu cầu lãnh đạo sân Golf báo cáo việc họ sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu như thế nào nhằm mục đích bảo vệ hồ Xuân Hương. Không loại trừ một số đơn vị, cơ quan đã xả ngầm nước thải xuống hồ”.
Thạc sĩ Lâm Ngọc Tuấn, Trưởng khoa Môi trường, ĐH Đà Lạt, cho biết: “Ô nhiễm hồ Xuân Hương là biểu hiện hiện tượng dư thừa dinh dưỡng, chủ yếu do nước thải, nước chảy bề mặt; nguồn nước từ các lưu vực sông, suối”.
Chiều 7/10, cán bộ khoa môi trường đến hồ Xuân Hương lấy mẫu nước về xét nghiệm. Kết quả cho thấy, đối tượng nở hoa hiện nay không phải là loài Microcystis aeruginosa thuộc nhóm vi khuẩn lam Cyanobacteria như đã xuất hiện trước đây.
Hiện tượng đổi màu, bốc mùi tại hồ Xuân Hương không phải mới xuất hiện gần đây. Sự lúng túng của các cơ quan chức năng trong việc xác định nguồn ô nhiễm, cũng như kết quả mẫu thử về tảo lạ, khiến cư dân sống xung quanh hồ càng thêm lo lắng. Đáng ngại hơn, hình ảnh Xuân Hương sẽ không còn hương xuân trong mắt nhiều người, và ảnh hưởng đến chất lượng du lịch tại Đà Lạt.
(Theo Báo Đất Việt)