Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

“Phải gần dân, nghe người dân nói…”

(20:43:28 PM 03/08/2012)
(Tin Môi Trường) - Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Bộ TN&MT, ông Mai Ái Trực, người đảm nhận cương vị Bộ trưởng đầu tiên Bộ TN&MT đã có cuộc trò chuyện...

 

Bộ trưởng Mai Ái Trực tiếp dân tại Lạng Sơn (2006 - 2007 ). Ảnh: Đức Giang

 

Ưu tiên số 1 là chạy việc

 

-Thưa ông, những khó khăn chính khi ông được giao nhiệm vụ là người đứng đầu một Bộ mới thành lập là gì?
 
- Khó khăn đầu tiên là phải thích ứng ngay với cương vị mới. Làm Bộ trưởng có nhiều điểm khác với làm Bí thư Tỉnh ủy (trước đó, ông là Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - P/V), vì vậy không thể bê nguyên xi kinh nghiệm, kiến thức đã có ở địa phương để áp dụng cho cương vị mới được. Cái khó thứ hai là làm thế nào để sắp xếp, bố trí một cách phù hợp đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý các tổng cục, các cục, vụ từ nhiều cơ quan khác nhau tập hợp về. Thứ ba, điều kiện về cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động của cơ quan Bộ rất thiếu thốn, chủ yếu dựa vào những thứ có sẵn của Tổng cục Địa chính trước đó.
 
-Vậy làm thế nào để vượt qua khó khăn đó, thưa ông?
 
- Không đợi giải quyết hết khó khăn mới bắt tay vào việc, khẩu hiệu đưa ra lúc bấy giờ là “vừa chạy vừa xếp hàng”, ưu tiên số một là “chạy việc”. Tức là phải giải quyết công việc ngay, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, địa phương, người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi lấy giải quyết công việc làm mục tiêu hàng đầu và cũng qua đó, tạo sự đoàn kết, gắn bó, hiểu nhau giữa các cán bộ, công chức từ nhiều nguồn tập hợp về Bộ. Đáng mừng là điều đó đã diễn ra.
 
"Thổi hồn" cuộc sống vào luật
 
- Ông đã từng chủ trì soạn thảo một số đạo luật có phạm vi tác động rộng lớn trong xã hội như Luật Đất đai năm 2003, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005. Vậy theo ông, để có một đạo luật tốt, cần phải chú ý những vấn đề gì?
 
- Theo tôi, muốn có một đạo luật tốt, trước hết phải có định hướng rõ ràng và mục tiêu cụ thể mà luật cần đạt tới, đặc biệt là phải có quan điểm và cách tiếp cận đúng, nếu không, luật sẽ chẳng tới đâu và phải sửa đi sửa lại là điều dễ hiểu. Tiếp đó, trong quá trình soạn thảo, phải bảo đảm cho các quy định của luật phản ánh đúng thực tế cuộc sống, những đòi hỏi của cuộc sống, nói một cách văn vẻ là "thổi hồn" cuộc sống vào trong luật. Muốn được vậy, phải tổ chức tốt việc lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động của luật đó. Mà phải làm một cách nghiêm túc, thực chất, với thái độ lắng nghe, cầu thị. Người chủ trì soạn thảo luật phải trực tiếp nghe, nghe càng nhiều càng tốt, bởi nghe trực tiếp khác với nghe nói lại. Điều gì chưa rõ hoặc còn tranh luận thì cần tiếp tục nghiên cứu từ thực tế cuộc sống, lấy thực tiễn để soi vào. Phải gần dân, nghe người dân nói và tôn trọng ý nguyện chính đáng của người dân.
 
Phải chăng đó cũng là quan điểm luật phải phù hợp với ý chí của nhân dân như ông vẫn thường nói?
 
- Đúng vậy. Ở bất cứ nước dân chủ nào, mọi quyền lực của Nhà nước đều thuộc về nhân dân. Hiến pháp nước ta đã khẳng định điều đó. Quyền lực của nhân dân được thể hiện trước hết và chủ yếu thông qua Hiến pháp và pháp luật nói chung; vì vậy, pháp luật phải phán ánh đúng ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tuyệt đối tránh đưa ra những quy định chủ quan, duy ý chí, áp đặt.
 
Ngoài ra, trong khi soạn thảo luật, cần quan tâm đến kinh nghiệm hay trong hệ thống pháp luật của các nước, nhất là những nước trong quá khứ có điểm xuất phát về kinh tế, xã hội tương tự như ta nhưng họ đã phát triển tốt. Về mặt hình thức, luật càng quy định cụ thể, chi tiết càng tốt, để khi luật có hiệu lực là thi hành ngay, không phải chờ văn bản hướng dẫn.
 
Vô hạn và hữu hạn
 
- Ông từng nói trước Quốc hội là “Trách nhiệm của bộ trưởng thì hầu như vô hạn mà quyền thì hữu hạn”. Ông có thể nói rõ hơn câu nói này?
 
Vào thời điểm đó, Quốc hội thường nhấn mạnh đến vai trò "tư lệnh" ngành của các Bộ trưởng. Đúng là Bộ trưởng là người đứng đầu ngành, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ và trước nhân dân đối với ngành hoặc lĩnh vực mà mình phụ trách. Những yếu kém trong ngành, dù ở địa phương hay cơ sở, đều có liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng. Vì vậy mới nói "trách nhiệm của Bộ trưởng thì hầu như vô hạn". Trách nhiệm nói ở đây không phải là trách nhiệm pháp lý mà là trách nhiệm chính trị.
 
- Thế còn "quyền thì hữu hạn" là như thế nào, thưa ông?
 
Có những việc mà trách nhiệm chung thuộc về Bộ trưởng nhưng thẩm quyền xử lý lại thuộc tổ chức, cá nhân khác. Ví dụ tình trạng nhiêu khê về giải quyết thủ tục hành chính trong quản lý đất đai tại các địa phương và cơ sở thì Bộ trưởng có trách nhiệm liên quan nhưng xử lý những cán bộ, công chức ở địa phương và cơ sở gây ra tình trạng đó thì lại không thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng. Trong một lần trả lời chất vấn trước Quốc hội, có đại biểu Quốc hội hỏi tôi: Tại sao cán bộ địa chính xã nhũng nhiễu mà Bộ trưởng không xử lý kỷ luật. Tôi đâu có thẩm quyền xử lý cán bộ địa chính xã, nếu biết cụ thể cán bộ địa chính nào nhũng nhiễu dân thì tôi cũng chỉ có quyền đề nghị chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nơi có cán bộ đó chỉ đạo xử lý mà thôi. Rất nhiều việc tương tự như vậy do các quy định về phân công, phân cấp thẩm quyền. Đó là lý do tại sao nói "quyền thì hữu hạn".
 
- Vậy theo ông có nên tăng thêm quyền cho Bộ trưởng hoặc tổ chức ngành theo hệ thống dọc từ Trung ương tới cơ sở để bảo đảm hiệu lực quản lý?
 
- Nói như vậy để thấy trách nhiệm chính trị của Bộ trưởng và những hạn chế mà Bộ trưởng không thể vượt qua chứ không có nghĩa là đòi hỏi tăng quyền cho Bộ trưởng. Tăng quyền cho chức danh này thì phải giảm quyền của chức danh khác. Bộ máy Nhà nước là một hệ thống, việc quy định trách nhiệm và quyền hạn của từng cấp là căn cứ vào yêu cầu quản lý, vừa bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương, vừa phát huy quyền chủ động của địa phương và cơ sở. Vấn đề là phải rành mạch về trách nhiệm, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân và việc quy trách nhiệm phải trên cơ sở các quy định đó, không nên chung chung. Còn việc tổ chức quản lý theo ngành dọc thì tùy đặc điểm từng ngành, lĩnh vực. Ngành hoặc lĩnh vực nào có mối liên hệ mang tính thống nhất không thể tách rời thì mới tổ chức theo ngành dọc, còn lại đều phải có sự phân cấp quản lý giữa các cấp hành chính.
 
- Xin hỏi ông câu cuối: Ông có điều gì nhắn gửi tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành TN&MT nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Bộ?
 
- Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Bộ TN&MT, thông qua các cơ quan báo chí của Bộ, tôi gửi lời cảm ơn tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành TN&MT đã sát cánh cùng tôi trong thời gian tôi nhận nhiệm vụ tại Bộ. Không khí làm việc sôi động cùng những cộng sự tận tuỵ, công tâm, hết lòng vì công việc là những hình ảnh đẹp mà tôi nhớ mãi.
 
Trân trọng cám ơn ông !

 

(Nguồn: monre)