Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ăn ốc sên trị bệnh khớp?

(15:39:37 PM 03/08/2012)
(Tin Môi Trường) - Không phải loại ốc sên nào cũng là thực phẩm an toàn, nhất là khi chúng sống trong vườn và gần các khu công nghiệp, bãi chứa rác thải

 


Ở vùng ngoại thành TPHCM, ốc sên được bắt và bán khá nhiều. Ảnh: Lê Như Sơn
 

 

 

Ốc sên (còn gọi là ốc ma) sinh sống hoang dã ở khắp nước ta. Tại TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước..., ốc sên được bán khá nhiều. Có một dạo, nhiều nơi rộ lên tin ăn ốc sên trị được bệnh đau khớp hoặc dùng nhớt của chúng đắp lên vùng da mặt trị được mụn... khiến người dân đổ xô đi bắt và giá cả loài ốc này tăng vọt.

 

Giàu đạm

 

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt ốc sên (cụ thể là loại có vỏ vân hoa, còn gọi là ốc sên hoa) chứa tới 11% đạm, trong khi sò chỉ 8,8%, trai 4,6%, hến 4,5%. Ngoài ra, thịt ốc sên hoa còn có 6,2% đường và nhiều loại acid amin... Từ thịt ốc sên hoa, người ta cũng đã thủy phân để thu được một dịch lỏng có mùi vị thơm ngon dùng làm nước chấm giàu đạm.

 

Món ốc sên hoa chiên bơ với tỏi và rau mùi tây được ưa chuộng ở Pháp và là món đặc biệt dành cho những người giàu có, sành ăn. Dân  Pháp giữ kỷ lục về tiêu thụ ốc sên hoa với 50.000-60.000 tấn/năm và thường phải nhập từ nước ngoài khoảng 20.000 tấn/năm.

 

Món ốc sên của người Pháp được chế biến rất cầu kỳ: Ốc sên còn tươi sống được rửa sạch và lấy thịt chà xát bằng muối cho hết nhớt rồi trộn chung với bơ, tỏi giã nhuyễn cùng củ hành tím, tiêu và muối. Cho hỗn hợp giã nhuyễn đó vào lại vỏ ốc và nướng trong lò khoảng 5-10 phút và ăn nóng.

 

Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý không phải loại ốc sên nào cũng là thực phẩm an toàn, nhất là khi chúng sống trong vườn và gần các khu công nghiệp, bãi chứa rác thải. Ấu trùng rất dễ bám vào và ký sinh khi ốc sên sinh sống hoặc ăn rác thải rồi truyền qua con người nếu món ăn từ ốc không được chế biến kỹ. Đã có rất nhiều trường hợp tử vong hoặc di chứng nghiêm trọng ở não do nhiễm ký sinh trùng, hóa chất từ việc ăn sống ốc sên hoặc nướng, xào chưa chín kỹ.

 

Còn nhiều tranh cãi

 

Giá trị về dinh dưỡng đã rõ nhưng về tác dụng chữa bệnh của ốc sên thì còn nhiều tranh cãi. Theo kinh nghiệm dân gian, bộ phận dùng làm thuốc là thịt và nhớt của ốc sên hoa. Thuốc từ ốc sên có tên oa ngưu, được sách dược ghi là có tác dụng bổ dưỡng, giải độc, tiêu viêm, lợi tiểu, chống co thắt.

 

Trong Nam dược thần hiệu có bài thuốc từ việc giã nát 1-2 con ốc sên hoa, thêm ít nước, phết lên giấy (chừa một lỗ nhỏ) đắp chữa mụn lở  ở da mặt. Một bài thuốc nữa để chữa hen suyễn, thấp khớp là dùng thịt của 2 con ốc sên hoa, nướng vàng, thái nhỏ, nấu lấy nước đặc, trộn với 50 g măng tre giã nát, ép lấy nước cốt uống 1-2 lần/ngày.

 

Trung dược đại từ điển và các y thư cổ cũng ghi nhận tác dụng của ốc sên trong điều trị chứng co giật do sốt cao, tiểu đường, viêm amiđan, viêm họng, nhọt độc, trĩ viêm loét, thấp khớp do phong nhiệt và thấp nhiệt... Tuy nhiên, với y học hiện đại,  chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh tác dụng của ốc sên chữa bệnh xương khớp cũng như làm tăng chất nhờn ở khớp. Đặc biệt, việc sử dụng nhớt ốc sên để đắp mặt trị mụn, ăn sống thịt ốc sên hoặc nướng, xào sơ sài... thì chắc chắn là phản khoa học và rất nguy hiểm. 

 Chỉ nên sử dụng loại ốc sên hoa đang sống khỏe mạnh, sinh sống ở những vùng sạch sẽ. Trước khi chế biến, nên để một ngày đêm cho ốc nhả hết chất bẩn hoặc chất độc; chỉ sử dụng phần thịt cứng và dùng giấm hoặc chanh, muối hạt chà xát cho sạch nhớt.

Lương y Hoàng Châu (NLĐ)