Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
TPHCM đang phải gánh chịu những tác động bất lợi về môi trường do toàn bộ nguồn nước cung cấp cho TPHCM đều trong tình trạng gia tăng ô nhiễm.
Bến sông Phú Định (Q.8-TPHCM) bị ô nhiễm bởi nhiều nguồn nước thải, rác thải. Ảnh: T. Thanh
Không thể kiểm soát ô nhiễm nước sông
Nhà máy nước Thủ Đức, Bình An lấy nước từ sông Đồng Nai, nhà máy nước Tân Hiệp lấy nước từ sông Sài Gòn đang đối đầu với chỉ số ô nhiễm ngày càng cao.
Lưu vực sông Đồng Nai được xác nhận là “đã và đang bị khai thác quá tải dẫn đến kiểm soát không nổi”.
Tác nhân gây ra những di hại này có thể liệt kê bởi 60 khu công nghiệp và khu chế xuất đang hoạt động ở khu vực hạ lưu.
Theo dự báo, đến năm 2010, tổng tải lượng ô nhiễm do nước thải công nghiệp khoảng 1.550.000 m3/ngày, tải lượng ô nhiễm do nước sinh hoạt khoảng 2.800.000 m3/ngày. Sông Sài Gòn tiếp nhận nước thải công nghiệp gần 350.000 m3/ngày và nước thải sinh hoạt là 1.500.000 m3/ngày.
Nhà máy nước ngầm Hóc Môn, Gò Vấp, Bình Trị Đông bị bao vây bởi khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất... hằng ngày xả một lượng không nhỏ nước thải công nghiệp chưa xử lý hoặc xử lý không đúng chuẩn.
Chưa hết, ngoài mạng lưới cống kín thải nước trực tiếp ra hệ thống kênh rạch, TPHCM còn có bảy hệ thống kênh rạch tiêu thoát nước thải đan xen khắp các quận, huyện mà theo đánh giá của UBND TP tại thời điểm này là “chất lượng nước tại các kênh đều ở mức báo động về tình trạng ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực”.
Nguồn thải nào cũng vượt chuẩn
Theo thống kê, hiện toàn TP có 13 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động với trên 1.100 dự án, mỗi ngày đêm tổng lưu lượng nước thải từ 30.000 đến 35.000 m3. Có 10 khu công nghiệp đã hoàn thành hệ thống thu gom nước thải.
Thế nhưng điều đáng nói là các doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ nhưng chất lượng nước sau xử lý chưa đạt quy định đấu nối của khu công nghiệp.
Xây dựng hệ thống xử lý nước thải chỉ mang tính đối phó với cơ quan chức năng, thậm chí nhiều doanh nghiệp làm hệ thống xử lý cho có mà không vận hành, xả thải vào ban đêm...Vì thế nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp luôn quá tải về nồng độ.
Một thực tế khác là hoạt động nuôi trồng thủy sản nước ngọt ven sông Sài Gòn, Đồng Nai đang làm gia tăng nhiễm bẩn lưu vực. Nguồn phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật từ hoạt động nông nghiệp cũng chảy về sông.
Theo khảo sát, lượng phân bón hóa học xả vào lưu vực sông Đồng Nai trung bình khoảng 200 kg/ha/vụ, thuốc bảo vệ thực vật là 0,75 kg/ha/vụ.
Góp thêm vào sự ô nhiễm cho nguồn nước là nước thải y tế. Với tổng lượng nước thải y tế là 27.000 m3/ngày nhưng chỉ có 30% có hệ thống nước thải y tế đạt chuẩn. Một thực trạng khác là đổ bậy bùn hầm cầu xuống kênh rạch.
Nếu trước đây, mỗi ngày khu tiếp nhận chất thải hầm cầu xử lý khoảng 100 xe thì nay chỉ còn 30 xe. Đây là nguồn thải gây ô nhiễm môi trường và phát sinh dịch bệnh.
Gia tăng vi phạm pháp luật môi trường
Đánh giá mới nhất của UBND TPHCM về thực trạng môi trường trên địa bàn cho thấy: Tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đang có những diễn biến phức tạp và theo chiều hướng ngày càng tăng.
Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chạy theo lợi ích cục bộ đã trốn tránh nghĩa vụ và cố tình vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Một nguyên nhân khác là do buông lỏng quản lý kéo dài, xử phạt không nghiêm, hoặc có xử phạt nhưng thiếu kiên quyết buộc khắc phục, đặc biệt là chưa có vi phạm môi trường nào bị truy tố.
Đây cũng là lý do TP đang phải gánh những bất lợi về môi trường khi tăng trưởng kinh tế cao nhưng lại thiếu ý thức bảo vệ môi trường để có thể phát triển bền vững.
(Theo Người Lao Động)