Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Môi trường kinh doanh VN tăng 10 bậc

(23:17:45 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2009, đứng thứ 78/183 nước và đứng thứ tư trong số 10 nền kinh tế cải cách nhiều nhất về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, TS Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp – Phòng Thương mại&Công nghiệp Việt Nam, cho biết.

Doanh nghiệp đăng ký mới tiếp tục tăng

 

Phát biểu tại lễ công bố báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2010 chiều 28/3 tại Hà Nội, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đánh giá môi trường kinh doanh, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam ngày càng được cải thiện.

 

 

Nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tiếp tục tăng. Tính đến hết năm 2010, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập theo Luật Doanh nghiệp đạt 544.394 doanh nghiệp, vượt mục tiêu đề ra của Chính phủ là 500.000 doanh nghiệp tính đến hết năm 2010.

 

“Tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam thích ứng rất tốt với biến động của kinh tế thế giới khi mà vẫn phát triển tốt. Môi trường kinh doanh, về cơ bản, ngày  càng tốt hơn”, TS Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch&Đầu tư, nhận định.

 

Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2010 cho biết trong những thành tựu phải kể đến là tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP luôn đạt mức cao, 6,78%, vượt kế hoạch do Chính phủ đề ra là 6,5%.

 

Năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009  trong bối cảnh kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục sau khủng hoảng.

 

Trong khi đó, nhập siêu cả năm 2010 ước tính 12,4 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu bằng 17,3%, giảm 5,2 điểm phần trăm so với năm 2009.

 

 

Victoria Kwakwa: Môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện

 

Doanh nghiệp oằn mình chống chọi với lạm phát

 

Báo cáo cũng chỉ ra rằng bên cạnh những kết quả tích cực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, vẫn còn những yếu tốc tác động không tốt đến hoạt động của doanh nghiệp năm 2010. Lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao, có lúc lên đến 17%-18%/năm, thậm chí có nơi lên đến 19% - 20% như trong quý I/2010.

 

TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết ba năm qua, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, oằn mình chống chọi với lạm phát cao.

 

Ngoài lạm phát, theo TS Hằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều hạn chế như nhập siêu lớn và kéo dài nhiều năm, đặc biệt là nhập siêu tập trung quá mức vào thị trường Trung Quốc.

 

Bên cạnh đó là tình trạng lạm phát cao, chỉ số CPI tháng so với tháng 12/2009 tăng 11,75%, bỏ xa chỉ tiêu 7% do Quốc hội đề ra. Trong cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, mặc dù tỷ trọng của các doanh nghiệp khu vực tư nhân chiếm trên 95% và ngày càng tăng về số lượng nhưng sự đóng góp của các doanh nghiệp này chưa  tương xứng với số lượng doanh nghiệp, ngoại trừ tạo việc làm cho 60% người lao động.

 

Một vấn đề khó khăn nữa, theo TS Hùng, là “hiện các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, khó tiếp cận với nguồn vốn vay”.

 

TS Hùng cho rằng mục tiêu năm 2011 vẫn là tập trung kiềm chế lạm phát,  ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2010, có 18 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (so với 12 năm trước). Năm 2010, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 84 tỷ USD, tăng 20,1% so  với năm 2009, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 47,5 tỷ USD (tăng 8,3%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 36,5 tỷ USD (tăng 39,9%).

Phạm Mạnh