Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo quy định, nước thải ra khỏi nhà máy xử lý tập trung của khu công nghiệp này phải đạt chuẩn loại B, nhưng hôm qua đoàn giám sát HĐND bất ngờ khi thấy nước đầu ra của nhà máy toàn màu đen. Nghi vấn được đặt ra, đoàn yêu cầu lấy mẫu để xét nghiệm ngay trong ngày.
Ngay sau khi yêu cầu mở nắp cống xả nước thải đã qua xử lý để kiểm tra, ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND không khỏi bàng hoàng khi nhìn thấy nước thải thẳng ra môi trường của nhà máy xử lý thải của khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân toàn màu đen, sủi bọt, mùi hôi thối, trong khi đó báo cáo nêu rõ đây là nước tiêu chuẩn loại B (các chỉ tiêu đạt độ an toàn với môi trường).
Ngay trong buổi làm việc, Ban kinh tế ngân sách đã yêu cầu lấy mẫu nước trong nhà máy và khi thải ra môi trường để xét nghiệm đối chiếu.
Nước thải ra khỏi nhà máy xử lý tập trung của KCN Lê Minh Xuân đen ngòm nhưng được báo cáo là đạt tiêu chuẩn. Ảnh: Kiên Cường. |
Không chỉ riêng nhà máy xử lý nước thải, hôm qua đoàn giám sát HĐND cũng phát hiện hai sai phạm nghiêm trọng khác tại KCN Lê Minh Xuân.
Công ty nhựa cao su Độc Lập bị bắt quả tang nhiều năm nay không có hệ thống xử lý nước thải, nước thải tại đây đóng váng dầu mỡ. Đoàn giám sát chỉ phát hiện khi buộc doanh nghiệp này mở cống kiểm tra. Doanh nghiệp Thiên Long sản xuất bao bì nhựa từ năm 2001 cũng tương tự.
Giải thích về điều này, ông Ngô Viêm Khúi, đại diện công ty Thiên Long cho biết: "Công ty đang tiến hành xây dựng các hệ thống đấu nối chung với nhà máy xử lý nước thải của KCN. Dự kiến sẽ hoàn thành sau một tháng nữa",
Còn doanh nghiệp cao su Độc Lập thì cho rằng nước thải của mình không có nước thải công nghiệp mà chỉ có nước thải sinh hoạt.
Trước sai phạm của hai doanh nghiệp này, ông Lê Văn Khanh - Giám đốc Ban Quản lý KCN và ông Nguyễn Văn Phước - Phó Giám Sở Tài nguyên&Môi trường đều khẳng định đã nhắc nhở, phạt nhiều lần và đốc thúc nhưng các đơn vị này chưa chịu làm.
Ban kinh tế ngân sách HĐND yêu cầu cảnh sát môi trường kiểm tra ngay hai doanh nghiệp nói trên, giải quyết dứt điểm tình trạng trong tháng 11.
KCN Lê Minh Xuân không xa lạ với người Sài Gòn, được mệnh danh là vùng đất chết vì cá, kiến, ong... đều không sống nổi, người dân phản ánh bệnh viêm mũi, viêm họng, trẻ con bị bệnh ghẻ ngứa liên tục gia tăng. Hiện KCN có khoảng 280 doanh nghiệp hoạt động sản xuất.
Được hình thành từ năm 2000 theo chỉ đạo của UBND TP HCM, với mục tiêu tiếp nhận những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp xen kẽ trong khu dân cư có ô nhiễm môi trường ở thành phố. Nhưng kể từ khi khu công nghiệp đi vào hoạt động, vấn nạn ô nhiễm môi trường đây luôn đặt trong tình trạng báo động, nước thải xả thẳng ra các kênh B, kênh C... cùng hệ thống rạch bao quanh.
Vi phạm nghiêm trọng về môi trường từ nhiều năm nay nhưng cho đến nay việc xử lý vẫn chỉ dừng ở mức nhắc nhở, kiểm tra, phạt cho có... để mặc cuộc sống hàng nghìn người dân huyện Bình Chánh bị đe dọa
(Theo VnExpress)