Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hiện lượng nước thải tại năm khu công nghiệp tập trung khoảng 30.000m3/ngày, nên toàn bộ lượng nước thải đều đổ vào môi trường sông, rạch xung quanh, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt ở Cần Thơ.
Riêng tại khu công nghiệp Trà Nóc I và II, nước thải chưa xử lý tại đây lên tới 22.000 mét khối/ ngày đêm, trực tiếp xả ra sông Hậu và các kênh rạch lân cận, nhiều gấp đôi năm 2006.
Riêng tại rạch Sang Trắng, (phường Phước Thới, quận Ô Môn), nước ô nhiễm đã vượt mức cho phép từ 10 – 12 lần, cũng gấp đôi năm 2006 và không còn sử dụng được vì nước đã chuyển sang màu đen.
Hàng ngàn hộ dân sống cạnh khu công nghiệp Trà Nóc còn phải hứng chịu mùi hôi tanh, uế khí từ khu công nghiệp tỏa ra.
Ngoài ra, lượng nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư khoảng 70.000m3/ngày, đêm) hiện nay vẫn thải trực tiếp ra sông, rạch xung quanh gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước mặt.
Nhiều rạch tại nội thành nước có màu đen, bốc mùi hôi thối. Trong nuôi thủy sản, hầu hết nước ở các ao nuôi (diện tích hơn 14.000 ha) tại địa phương đều có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ.
Hàm lượng các chất BOD, COD, ni tơ, phốt pho... cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra còn có các chất độc hại như H2S, NH3, Coliforms... đang gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng.
Điển hình là trên địa bàn quận Ô Môn, huyện Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh. Tại những địa phương này có hàng ngàn cơ sở nuôi cá tự phát với mật độ khá dày đặc. Trong quá trình nuôi (khoảng sáu tháng mỗi chu kỳ), hàng ngày, người dân thường xuyên thay đổi nước ao bằng cách bơm nước sông vào và xả nước bẩn từ ao ra sông.
Chất thải trong nước chủ yếu là là bùn chứa phân các loài thủy sản và thức ăn bị thối rữa, các chất thừa của các loại vật tư sử dụng để nuôi như hóa chất, vôi, các loại khóang chất Dolomit, lưu hùynh...
Các chất trên tạo nên hỗn hợp khí, có mùi phức tạp gồm các khí vô cơ như H2S, NH3 và các khí vô cơ như indol, phenol, các mercaptam, amin hữu cơ, andehit hữu cơ, axít béo dễ bay hơi.
Ngoài ra còn có lượng bùn phù sa lắng đọng trong các ao nuôi với khối lượng khá lớn bị thải ra sông rạch cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường nước. Các nơi nuôi kỹ thuật cao, mật độ dày đặc như thâm canh, công nghiệp càng thải ra môi trường nhiều chất độc hại, gây ô nhiễm với mức độ cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người sống ở khu vực kề bên.
(Theo Báo Tài Nguyên&Môi Trường)