Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Việt Nam phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nước quốc tế

(23:59:32 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Việt Nam không giàu có về nước, thậm chí đang căng thẳng về nước và phụ thuộc lớn vào nguồn nước của các con sông bắt nguồn từ các nước khác.

Việt Nam không giàu có về nước, thậm chí đang căng thẳng về nước và phụ thuộc lớn vào nguồn nước của các con sông bắt nguồn từ các nước khác.

 

Quan niệm Việt Nam là một nước giàu có về tài nguyên nước là sai lầm. Một cuộc khảo sát quy mô dưới sự trợ giúp của nhiều chuyên gia đến từ nhiều nước trên thế giới, thực hiện trong vòng một năm qua, đã vẽ ra bức tranh thật của ngành nước Việt Nam với những con số đáng lo ngại lần đầu tiên được công bố.

 

Môi trường nước ô nhiễm đang gõ cửa từng nhà

 

Theo các số liệu điều tra được dự án đánh giá ngành nước đưa ra ngày 29/10, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nước của các sông quốc tế. Chỉ 40 phần trăm lượng nước mặt phát sinh trong nước, và có sáu lưu vực sông lớn phụ thuộc vào dòng chảy từ các nước khác.

 

Gần 57 phần trăm tổng lượng nước của Việt Nam thuộc lưu vực sông Cửu Long, hơn 16 phần trăm thuộc lưu vực sông Hồng-Thái Bình, và hơn 4 phần trăm thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Tất cả những sông này đều là sông quốc tế.

 

Lượng nước trong mùa khô đang trở thành vấn đề lớn đối với Việt Nam. Mùa khô ở một số lưu vực kéo dài tới chín tháng. Mùa này, lượng nước chỉ đạt 20-30 phần trăm tổng lượng nước bình quân/năm.

 

Việt Nam có bốn trong 16 lưu vực sông hiện thuộc nhóm 'căng thẳng cao' (lưu vực sông Mã, nhóm sông Đông Nam Bộ, lưu vực sông Hương và Đồng Nai) và có sáu lưu vực sông thuộc nhóm 'căng thẳng trung bình' - trong đó lưu vực sông Hồng có mức khai thác cao nhất.

 

Đối với sông Mã, hiện nay 80 phần trăm lượng nước mùa khô được khai thác. Điều này cho thấy mức sử dụng nước ở Việt Nam rất cao và không bền vững.

 

“Ngày càng có ít nước cung cấp cho các cộng đồng dọc theo bờ sông và để duy trì mức nước tối thiểu cho sự lành mạnh của dòng sông. 60 phần trăm dân số sử dụng nguồn cấp nước là nước dưới đất. Tuy nhiên, thực trạng khai thác nước dưới đất ở mức cao đã gây nên sự tụt giảm mực nước nhanh chóng ở các vùng quanh Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và ở Tây Nguyên. Sự bền vững của những nguồn nước này đang là mối đe dọa thực sự.” - Ông Des Cleary, cố vấn trưởng của dự án, cho biết.

 

Bên cạnh đó, các dịch vụ cung cấp nước ở Việt Nam được đánh giá là rất yếu kém. Khoảng 8,5 triệu người ở các đô thị không được tiếp cận với nước sạch và đối với những người được tiếp cận với nước sạch thì tiêu chuẩn hiện hành là rất thấp theo tiêu chuẩn quốc tế.

 

Trong lĩnh vực cấp nước vệ sinh nông thôn, mặc dù gần đây có rất nhiều nỗ lực, nhưng vẫn còn 21 triệu người ở nông thôn không được tiếp cận với cấp nước vệ sinh, và 41 triệu người không được cấp nước theo tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế.

 

“Việc cấp nước cho tưới cho nông nghiệp hiện nay cũng không đủ yêu cầu. Cơ sở hạ tầng tưới cũ kỹ và bị hư hỏng. Ngành tưới hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và nguồn vốn ODA. Với mức cấp kinh phí hiện nay, một phần hoặc toàn bộ hệ thống sẽ không thể tồn tại trong tương lai’, ông Des Cleary nhấn mạnh.

 

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng chúng ta chưa đánh giá được tài nguyên nước một cách đúng mức. Vấn đề quản lý an toàn hồ đập mặc dù đã được cải tiến nhiều nhưng vẫn còn chồng chéo và chưa hiệu quả.

 

Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn quản lý hồ thủy lợi, Bộ Công thương, quản lý hồ thủy điện, nên rất khó dự báo về mức nước các hồ. Thiếu thông tin, số liệu chia sẻ về tài nguyên nước do đó không thể có cơ sở đưa ra các giải pháp chính xác.

 

“Môi trường nước bị ô nhiễm đang gõ cửa từng nhà và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đây là vấn đề đòi hỏi chúng ta phải đánh giá đúng thực trạng để có giải pháp rất quyết liệt trong tương lai thì mới khắc phục được” – Phó Thủ tướng cho biết.

 

Phải công bố thực trạng ngành nước cho toàn dân

 

Theo ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam cần phải có các hoạt động ưu tiên và tiến hành ngay để giải quyết các vấn đề của ngành nước hiện nay. Việc đầu tiên là phải củng cố hệ thống pháp luật, chính sách, và chiến lược tài nguyên nước, rà soát Luật Tài nguyên Nước, thiết lập khung cơ sở pháp luật và thực thi quản lý lưu vực sông.

 

Tiếp đó, cần xây dựng quy trình và phương pháp xác định "các tiềm năng thực tế" của các nguồn nước, xây dựng chính sách quốc gia về cấp vốn cho ngành nước; cải thiện môi trường xã hội và điều kiện sống cho người dân, đặc biệt là người nghèo.

 

Đồng bào người dân tộc thiểu số phải nhận được sự hỗ trợ lớn hơn từ ngành nước. Sự hỗ trợ bao gồm an ninh lương thực cho những đối tượng dễ bị ảnh hưởng, tăng tối đa cơ hội cho phụ nữ và nhóm thiểu số, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ người nghèo, đảm bảo cơ sở hạ tầng tài nguyên nước cơ bản cho người nghèo và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn giai đoạn II , giảm thiểu tác động của thiên tai và chia sẻ lợi ích của các công trình dự án lớn đối với những người bị ảnh hưởng trực tiếp.

 

Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh việc cần chuẩn bị ngay quy hoạch bảo vệ nguồn nước dưới đất, quy hoạch bảo vệ nguồn nước cho các lưu vực sông ưu tiên nhất như Đồng Nai, sông Hồng, Thu Bồn, v.v…

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên&Môi trường cùng tham gia chặt chẽ với tư vấn, cơ quan của Chính phủ mở rộng nội dung, bổ sung báo cáo về tổng quan ngành nước Việt Nam. Trên cơ sở báo cáo để xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững tài nguyên nước. 

 

Ông cũng tuyên bố, kết quả nghiên cứu về tổng quan ngành nước phải công bố cho mọi người dân biết và tiến hành một cuộc vận động để nhân dân biết và thực hiện tiết kiệm nước.

 

Dự án đánh giá Ngành nước Việt Nam gồm ba giai đoạn: Khởi đầu, đánh giá hiện trạng ngành nước, các vấn đề ưu tiên và giải pháp. Mục tiêu cơ bản của dự án là giúp Việt Nam đạt được phát triển bền vững tài nguyên nước. Dự án vừa hoàn thành bản báo cáo cuối cùng sau một năm triển khai, với sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế do ADB chủ trì, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các nhà tài trợ quốc tế.

 

(Theo TP)