Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Đây là một trong những sáng kiến tiên phong của cộng đồng các nhà khoa học Hàn Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia nhằm thúc đẩy sự liên kết và hợp tác Tiểu vùng Mê Kông trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và cũng là hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu sắc giữa Viện Môi trường Hàn Quốc, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu với Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khoa học Hoàng gia Campuchia và Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách về tăng trưởng xanh.
Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tại lưu vực sông Mê Kông cần được tiến hành từng bước và đồng bộ trên cả ba phương diện: Đổi mới các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung vào chiến lược phát triển, giảm hàm lượng thải khí các-bon từ các hoạt động kinh tế thông qua việc chuyển sang phát triển các ngành công nghiệp sạch, tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sử dụng năng lượng sạch, thay đổi cơ cấu đầu tư, xuất khẩu, đa dạng sinh học...Thiết lập các thể chế, chính sách cho nền kinh tế xanh, tập trung vào việc xây dựng và thực thi các quy định về phát thải, thành lập các cơ chế giám sát và kiểm soát, ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh, thay đổi hình thức kết nối vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu...
Thay đổi nhận thức xã hội, tập trung vào việc nâng cao nhận thức xã hội đối với bảo vệ môi trường, đầu tư tạo các việc làm xanh, hình thành các chuẩn mực xanh trong xã hội và tăng cường trách nhiệm môi trường của các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của Tiểu vùng. Đây cũng là những giải pháp cơ bản để đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trước những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới và sự biến đổi môi trường mang tính toàn cầu hiện nay, trong đó có biến đổi khí hậu. Sự chuyển đổi này cũng là thử thách lớn nhất trong thập kỷ tới đối với các quốc gia trong Tiểu vùng...
Tại phiên khai mạc, các đại biểu đã được giới thiệu bối cảnh khu vực Đông Á về phát triển bền vững vùng GMS (Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (Greater Mekong Subrregion, GMS); Một học thuyết về Tăng trưởng Xanh bền vững cho tất cả; Kinh tế Xanh và Khung thể chế về phát triển bền vững Rio+20.
Tại phiên thứ nhất, với chủ đề "Phát triển bền vững khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và hợp tác quốc tế" dưới sự chủ tọa của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng và Tiến sĩ Cae One Kim, các đại biểu cũng được nghe các báo cáo Hành trình tới tăng trưởng Xanh, lý thuyết Tăng trưởng xanh của GGGI và các bài học nhận được; Hợp tác và phát triển ở khu vực GMS và "Những thách thức cho Tăng trưởng Xanh của Việt Nam"; Hợp tác Phát triển khu vực GMS và thách thức Tăng trưởng Xanh ở Campuchia và Lào.
Phiên thứ hai, với chủ đề "Chia sẻ các Chính sách phát triển khu vực nông nghiệp" dưới sự chủ toạ của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn và Giáo sư Ji Soon Lee, các đại biểu được nghe giới thiệu Phát triển Nông nghiệp bền vững của Hàn Quốc; Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, Chính sách Đổi mới và thực tiễn phát triển; Tình hình nông nghiệp ở Campuchia; Các chính sách và thực trạng nông nghiệp của Lào.
Phiên thứ ba, do Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hoài Nam và Tiến sĩ Sang In Kang chủ toạ, các đại biểu cũng đã được nghe các báo cáo về Tiêu dùng và sản xuất bền vững ở Hàn Quốc, Mua sắm Xanh ở Hàn Quốc; Sự Phát triển các chính sách môi trường ở Hàn Quốc; Môi trường ở Việt Nam trong quá trình phát triển, Thực trạng và chính sách; Chính sách về môi trường của Campuchia; Môi trường và chính sách về môi trường ở CHDCND Lào. Các đại biểu cũng đã dành thời gian tập trung thảo luận các vấn đề về Khuôn khổ Hợp tác nghiên cứu.
Trong 25 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, song sự phát triển chưa thực sự bền vững. Chất lượng tăng trưởng, hiệu suất, hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Bởi vậy, điều chỉnh chiến lược tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, qua đó tái cấu trúc nền kinh tế, giảm khí thải nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu là con đường mà Việt Nam phải hướng tới. Một trong những mục tiêu hàng đầu đặt ra là hướng tới một nền kinh tế xanh, trong đó đáp ứng cả ba trụ cột quan trọng của phát triển là Phát triển kinh tế; Bền vững môi trường và An sinh xã hội.
Có thể nói, việc lựa chọn chiến lược phát triển xanh là rất thích hợp, phản ảnh xu hướng thời đại. Việt Nam đang tiến hành chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Dự thảo "Chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050" hiện đang được các Bộ, ngành tích cực đóng góp ý kiến trước khi triển khai thực hiện.
GMS là sáng kiến hợp tác phát triển giữa các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) khởi xướng năm 1992. Tham gia vào hợp tác GMS ban đầu có Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Từ năm 2004, tỉnh Quảng Tây (Guangxi) của Trung Quốc bắt đầu tham gia vào chương trình hợp tác này, mặc dù không nằm trong lưu vực con sông. Được đánh giá là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng động và có vị trí địa lý - chính trị quan trọng ở Đông Nam Á, GMS thu hút được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế, các nước lớn và các nhà tài trợ. Tuy nhiên, kể từ hai thập kỷ trở lại đây, quá trình phát triển đang tạo ra sức ép lớn trong việc khai thác nguồn tài nguyên trong tiểu vùng, châm ngòi cho nguy cơ xung đột, đe dọa các thành tựu về hợp tác mà GMS đạt được trong nhiều thập kỷ qua.
Sự phát triển thiếu bền vững cũng tác động đến sinh kế của người dân ở hai bên dòng sông Mê Kông, như làm gia tăng lũ lụt, ô nhiễm môi trường nước, mất đa dạng sinh học, mở rộng diện tích ngập mặn... Quá trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hoá ở GMS đòi hỏi các nước trong tiểu vùng cần thay đổi phương thức phát triển dựa vào việc sử dụng nhiều năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, nỗ lực phối hợp với nhau để khai thác bền vững nguồn tài nguyên, bảo vệ hệ sinh thái tốt hơn và bảo vệ môi trường .