Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tám triệu dân TP HCM dùng nước ô nhiễm

(23:59:16 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Theo thống kê, hiện nay tám triệu dân TP HCM dùng nước ô nhiễm. Nồng độ các chất ô nhiễm và các kim loại nặng đang tăng nhanh tại hầu hết các trạm bơm nước thô của các nhà máy nước nhưng giám đốc nhà máy nước Tân Hiệp nói công nghệ của nhà máy không xử lý được các chất này nếu vượt quá giới hạn cho phép.

Theo thống kê, hiện nay tám triệu dân TP HCM dùng nước ô nhiễm. Nồng độ các chất ô nhiễm và các kim loại nặng đang tăng nhanh tại hầu hết các trạm bơm nước thô của các nhà máy nước nhưng giám đốc nhà máy nước Tân Hiệp nói công nghệ của nhà máy không xử lý được các chất này nếu vượt quá giới hạn cho phép.

 

Trong khi đó, bà Đặng Thị Tuyết Loan, Phó phòng Quan trắc, Chi cục Bảo vệ Môi trường TP HCM, cho biết: “Các mẫu quan trắc, phân tích bổ sung và quan trắc định kỳ trên sông Sài Gòn cho thấy, mức độ ô nhiễm tại các trạm bơm nước đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt khi mưa lớn hoặc triều cường, khu vực lấy nước thô càng bị ô nhiễm”.

 

Báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Bách Khoa TP HCM, Đại học Tokyo (Nhật Bản) và WETI cho các trạm phía thượng nguồn như Bến Củi, Bến Súc, Thị Tính, Phú Cường (Bình Dương) đều có độ pH thấp hơn tiêu chuẩn A.

 

Chỉ có 1/18 vị trí quan trắc có độ đục đạt chất lượng tốt, có thể xử lý để ăn uống, sinh hoạt. Hầu hết các mẫu nước trên sông Sài Gòn đều có chỉ số Amoniac vượt tiêu chuẩn cho phép.

 

Lượng Amoniac này có nguồn gốc từ các rạch Bà Cô, rạch Bà Bếp, rạch Tra và sông Vàm Thuật. Nồng độ sắt (Fe) đều vượt tiêu chuẩn A trên 1,5 lần. Tương tự, các chỉ số Coliform, dầu mỡ, TSS hầu như không đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt.

 

Theo nhóm nghiên cứu, sông Sài Gòn bắt đầu bị ô nhiễm nặng từ năm 2002. Hàm lượng Amoniac, chất rắn lơ lửng, vi sinh đều tăng, có nơi vượt quá giới hạn nhiều lần.

 

Trong cuộc hội thảo chuyên đề về bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn mới đây, ông Bùi Thanh Giang, Giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp, thừa nhận nguồn cung cấp nước thô cho nhà máy đang bị ô nhiễm nặng.

 

Giáo sư Lâm Minh Triết phân tích: “Khi chất lượng nước thô không tốt, nhà máy nước buộc phải tăng lượng Clo để oxy hóa sơ bộ và kết hợp duy trì độ pH ở một số vị trí để xử lý Mn và các hợp chất hữu cơ.

 

Do vậy, khả năng keo tụ, lắng cặn sẽ giảm xuống. Trong trường hợp độ mặn nước sông tăng hoặc chất lượng quá xấu, nhà máy buộc phải giảm hoặc ngừng bơm nước thô.

 

Khi đó, lượng nước sạch sẽ giảm, không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng. Còn nếu vẫn bơm đủ lượng nước thô thì nước đầu ra khó đảm bảo chất lượng”.

 

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiệp, Khoa Môi trường nước&Bảo hộ Lao động, Đại học Tôn Đức Thắng, nói: “Để loại bỏ các tạp chất và các chất ô nhiễm, công nghệ xử lý hiện nay chủ yếu vẫn là dùng Clo để khử. Đây là cách xử lý rẻ tiền nhưng không nên áp dụng lâu dài”.

 

Theo ông Thiệp, môi trường nước bị ô nhiễm chứa nhiều chất hữu cơ mạch dài không no như Trihalogen Methyl (những chất này khi gặp Clo sẽ tạo thành những hợp chất nguy hiểm cho người).

 

Bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân, Trưởng khoa Chăm sóc Sức khỏe Công cộng (Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM) cho biết, tất cả các nhà máy nước trên địa bàn TP HCM như Tân Hiệp, Thủ Đức, Bình An… chỉ có thể làm trong và khử trùng nước trước khi cung cấp cho người dân sử dụng, chứ không có chức năng lọc kim loại nặng.

 

Vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là các cơ quan chức năng phải giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn cung nước thô. Khi nguồn nước này bị ô nhiễm thì có nghĩa, dân đang đối mặt với những mầm bệnh nguy hiểm.

 

“Hằng tháng, Trung tâm Y tế Dự phòng đều lấy mẫu nước đầu ra của các nhà máy nước để kiểm nghiệm. Tạm thời, các mẫu nước này vẫn đạt tiêu chuẩn, nhưng để an toàn, dân nên tự trang bị hệ thống lọc nước trước khi sử dụng”, bác sĩ Ngân khuyến cáo.

 

Giáo sư Lâm Minh Triết, Viện trưởng WETI, cho biết: “Trong tổng số 29 khu công nghiệp ở lưu vực sông Sài Gòn thì chỉ có 12 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, riêng các cụm công nghiệp đều chưa trang bị hệ thống này. Theo thống kê năm 2005, lượng nước thải sinh hoạt đổ vào sông Sài Gòn trên 532.000 m3 một ngày đêm và dự kiến, tăng gần gấp đôi vào năm 2010. Đây là nguyên nhân chính làm tăng lượng Coliform, một chất nguy hiểm cho sức khỏe người dân”.
 

(Theo Báo Đất Việt)