Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở miền núi Thừa Thiên - Huế

(08:33:52 AM 25/07/2012)
(Tin Môi Trường) - Phải mất một thời gian dài, các địa phương miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế mới tìm được các loại giống cây trồng thích hợp trong phát triển kinh tế vườn, biến lối sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá để làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Trạm Khuyến nông - lâm - ngư huyện miền núi Nam Đông đã thành công trong việc ươm thành công giống chuối "già lùn" bằng phương pháp nuôi cấy mô, với quy mô 6.000 cây/lượt ươm, bán cho đồng bào với giá từ 10.000 - 10.500 đồng/cây. Đặc điểm nổi trội của chuối nuôi cấy mô là thời gian trồng đến khi thu hoạch ngắn hơn so với các giống khác, thu hoạch cả vườn một lần... thay thế được hoàn toàn giống chuối địa phương vốn đang bị thoái hoá giống, nâng cao năng suất trên cùng một diện tích đất canh tác. Đến nay, toàn huyện Nam Đông đã phát triển được 250 ha chuối già lùn, thu nhập bình quân hơn 50 triệu đồng/ha. Ngoài trồng chuối, Nam Đông trồng được hơn 200 ha cau ở các xã Hương Lộc, Hương Hoà và Hương Phú. Huyện Nam Đông đã xây dựng được 5 cơ sở sơ chế biến cau xuất khẩu bằng cách luộc - sấy cau, đưa cau trở thành sản phẩm hàng hoá. Từ 0,5 ha cây cao su được đưa vào trồng thử trên đất Nam Đông, đến nay toàn huyện cũng đã trồng được hơn 3.000 ha cây cao su, trong đó có khoảng 850 ha diện tích cây trồng đã cho mủ, với sản lượng thu hoạch đạt khoảng 1.500 tấn, doanh thu hơn 45 tỷ đồng/năm.



Ảnh minh họa



Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, ông Ngô Văn Chiến cho biết: Kinh tế vườn đóng vai trò quan trọng ở các địa phương miền núi, làm thay đổi phương thức canh tác từ "phát, đốt, cốt, trỉa" sang sản xuất hàng hoá, góp phần ổn định việc định canh, định cư. Hiện nay, Nam Đông có tổng diện tích vườn đạt 584 ha, bình quân mỗi hộ có hơn 1.200m2, cơ cấu cây trồng chủ yếu là chuối, cau và một số loại cây có múi khác, thu nhập bình quân từ kinh tế vườn 24 triệu đồng/ha/năm, trong đó, riêng cây chuối cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/ha. Nhận thức của người dân ở đây bắt đầu được nâng cao, ngày càng có nhiều người cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Giai đoạn từ nay đến 2015, Nam Đông tiếp tục chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Kinh tế vườn được xác định rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông hộ nên huyện Nam Đông vận động người dân tiếp tục phát triển, tiến hành trồng khảo nghiệm một số loại cây hiệu quả kinh tế cao, tăng cường tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho cây ăn quả. Huyện phấn đấu nâng cao giá trị mỗi ha vườn lên từ 27 - 29 triệu đồng; kinh tế vườn rừng từ 40 triệu đến 45 triệu đồng/ha; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 6 - 7%./. 

 

Theo TTXVN