Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

"Thiên đường" cho voọc hồi sinh Tin ảnh

(15:55:36 PM 24/07/2012)
(Tin Môi Trường) - Nằm giữa khu rừng già rợp bóng cây xanh, Trung tâm cứu hộ linh trưởng Cúc Phương (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) nuôi dưỡng và chăm sóc hơn 150 cá thể linh trưởng thuộc 15 loài và phân loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới.

 

Một con voọc tận hưởng bữa trưa của mình bằng một bó lá cây nhội (một loại lá rừng). Thức ăn của voọc chủ yếu là lá cây, đặc biệt khác với các loài và phân loài linh trưởng khác, voọc có thể bị chết nếu ăn chuối.

 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền - một chuyên gia đang sống và làm việc tại trung tâm, phần lớn các loài linh trưởng ở đây đều là nạn nhân của những vụ săn bắn và mua bán trái phép động vật hoang dã, đặc biệt nhiều linh trưởng khi được chuyển đến trong tình trạng sức khỏe rất yếu và mang trên mình nhiều thương tích. Do vậy việc phục hồi các vết thương và giúp linh trưởng tái hòa nhập với môi trường tự nhiên hết sức khó khăn.

 

Được thành lập năm 1993, Trung tâm cứu hộ linh trưởng Cúc Phương hiện đã trở thành một địa chỉ “đỏ” an toàn và tin cậy của hàng trăm cá thể linh trưởng (voọc, vượn, cu li) trong đó có nhiều loài và phân loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao như: voọc Cát Bà, voọc mông trắng, voọc chà vá chân xám…

 

Không chỉ bảo vệ và chăm sóc các linh trưởng quý hiếm, nơi đây, trong môi trường bán hoang dã, nhiều linh trưởng con đã được chào đời, bổ sung những nguồn gen quý hiếm cho công tác duy trì và bảo vệ giống loài.

 

Hiện tại trung tâm cứu hộ linh trưởng có 20 nhân viên người Việt Nam và 4 chuyên gia người nước ngoài. Quản lý và điều phối trực tiếp tại trung tâm là chuyên gia động vật người Đức Tilo Nadler, 74 tuổi. Ông và vợ - bà Nguyễn Thị Thu Hiền, là những “ông bố", “bà mẹ” thứ hai của hơn 150 linh trưởng tại trung tâm.

 

Theo nhận định của Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF), Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu về tình trạng mua bán động vật hoang dã. Bên cạnh đó, do diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp và nạn săn bắn chưa được kiểm soát chặt chẽ, nên hiện nay môi trường sống của các loài động vật hoang dã nói chung và các loài linh trưởng nói riêng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

 

“Mặc dù mục tiêu của chương trình chăm sóc là tái hòa nhập thú linh trưởng vào tự nhiên, nhưng với hiện trạng đáng báo động như hiện nay chúng tôi cảm thấy vô cùng lo lắng và bất an khi thả những nguồn gen vô cùng quý hiếm và đang có nguy cơ tuyệt chủng này lại tự nhiên”, chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết.

Một con voọc chà vá chân xám đang được chăm sóc tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng Cúc Phương

Tổng diện tích của trung tâm 3,5ha, trong đó nơi chăm sóc các loài linh trưởng là những chuồng thép rộng rãi, thoáng mát và gần gũi với thiên nhiên. Bên cạnh đó trung tâm còn có 2ha rừng để các loài linh trưởng tái hòa nhập với môi trường tự nhiên.

Hai mẹ con voọc nghỉ ngơi dưới một tấm bạt lớn được treo giữa chuồng, do voọc con sức khỏe còn yếu nên việc di chuyển gặp nhiều khó khăn.

Nhân viên trung tâm chuẩn bị bữa trưa cho 152 thú linh trưởng, tại đây mỗi ngày tiêu thụ hết 300kg lá cây, trong đó bao gồm các loại như: nhội, sung, vả, mần tang...

Chuyên gia động vật học Tilo Nadler và bác sĩ thú y Ulvicke Streicher (trái) khám sức khỏe cho một con voọc đã bị gây mê.

Một chú voọc non được chuyên gia của trung tâm cho bú sữa, bố mẹ chú voọc này đã bị thợ săn bắn chết.

Do được lực lượng kiểm lâm tại Vinh (Nghệ An) trao tặng nên chú voọc đen má trắng này tên là Vinh. Hiện tại trên người Vinh vẫn còn một viên đạn chưa thể gắp ra được, nằm ở vị trí xương quai xanh, mặt khác bàn tay trái của Vinh cũng bị tật. 

Hai nhân viên của vườn thú sửa sang lại chuồng cho các linh trưởng.

Cô voọc này tên Xuân (tên một chuyên gia từng chăm sóc), được mang về từ vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), những thành viên trong gia đình của Xuân đều bị thợ săn sát hại. Hiện tại Xuân 8 tuổi và được nuôi cùng "nhà" với Vinh.

Hai vợ chồng "ba" Tilo Nadler và "mẹ" Thu Hiền, những người đã sống và làm việc tại trung tâm cứu hộ linh trưởng lớn nhất Việt Nam được hơn 15 năm nay. Cũng tại trung tâm này hai cậu con trai kháu khỉnh của họ đã chào đời.