Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thiếu nguồn nước sạch, hàng trăm nghìn người trên địa bàn Q.Tân Phú và Q.Bình Tân đang phải sử dụng nguồn nước ngầm từ giếng khoan - khu vực càng ô nhiễm nghiêm trọng, do lượng chất hữu cơ từ khu nghĩa địa Bình Hưng Hoà thẩm thấu qua đất.
TP.Hồ Chí Minh - đô thị hiện đại thuộc bậc nhất của cả nước, ấy vậy mà đến nay vẫn còn đến hơn một triệu người dân không đủ nước sạch để dùng trong sinh hoạt. Hàng ngày, dân nơi đây chỉ còn biết nhắm mắt sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, có mùi hôi tanh hoặc chấp nhận mua nước sạch với giá cao gấp 10 lần giá quy định...
Nhắm mắt xài nước nhiễm bẩn
Dù nằm ở gần khu vực đầu nguồn nước sạch (Nhà máy Nước Tân Hiệp - công suất 300.000m3/ngày đêm), song tỉ lệ hộ dân hai quận Tân Phú và Bình Tân được sử dụng nước sạch khá khiêm tốn (khoảng 50-60 phần trăm).
Ông Trần Văn Mai (số 4/22 đường Nguyễn Ngọc Nhựt, P.Tân Quý, Q.Tân Phú) cho biết: "Chúng tôi đã đề nghị với chính quyền địa phương, ngành cấp nước không biết bao nhiêu lần rồi mà vẫn không có nước sạch để sử dụng. Người dân chỉ còn cách sử dụng nước từ giếng khoan, dù biết rằng chất lượng nước ngầm đã được khuyến cáo không nên sử dụng, vì đang ô nhiễm nặng".
Không giấu được nỗi bức xúc khi nghe PV hỏi đến nguồn nước sinh hoạt, chị Hương (hẻm 295 đường Gò Dầu, tổ 23, P.Tân Quý ) nói: "Tôi về đây sống đã chục năm, chưa một ngày được sử dụng nước sạch. Hàng trăm người dân nơi đây cũng đều như vậy. Một vài năm trở lại đây, nước bơm từ giếng lên có mùi là lạ, nhiều phèn...".
Và từ sau cái chết của người chồng (mới 34 tuổi) do căn bệnh ung thư cách đây chưa đầy sáu tháng, gia đình chị Hương cảnh giác không dám sử dụng nước giếng để nấu ăn, uống.
"Bây giờ, cứ hai ngày tôi lại tốn thêm gần 20.000 đồng mua một bình nước đóng chai loại 20 lít, để vo gạo, nấu cơm, uống. Tôi còn ba cháu nhỏ, nên phải hết sức thận trọng đảm bảo sức khoẻ cho chúng" - chị Hương nói.
Những đứa trẻ (P.1, Q.8) tranh thủ mua nước sạch về sử dụng trước khi đi học. |
Khu vực nhức nhối nhất về nước sạch phải kể đến, đó là P.Bình Hưng Hoà A, Q.Bình Tân - nằm ngay cạnh nghĩa địa Bình Hưng Hoà, có tỉ lệ hộ dân sử dụng nước ngầm lên đến 80-90 phần trăm.
Dẫn PV quan sát hai bình dùng lọc nước từ giếng khoan, bà Nguyễn Thị Anh (số 35 đường số 7, khu phố 5, cách khu nghĩa địa khoảng 100m) bức xúc phản ánh: "Mới lau chùi lúc sáng, vậy mà đến trưa bộ phận lọc lại nhớt nhợt và ngả sang màu vàng, nước bơm lên có mùi tanh tanh. Khu nghĩa địa với hàng chục ngàn ngôi mộ như vậy, lâu ngày không ngấm vào nguồn nước ngầm mới là chuyện lạ. Thế nhưng không có nước máy, dân đành nhắm mắt sử dụng nước ngầm".
Sức khoẻ dân bị de doạ
Gần đây, dư luận rộ lên chuyện xuất hiện làng ung thư trên địa bàn P.Bình Hưng Hoà A, khi chỉ trong vài năm, tại khu phố 2 và khu phố 16 đã có một chục trường hợp chết liên quan đến căn bệnh quái ác ung thư. Ngay lập tức, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, lấy một số mẫu nước ngầm để tiến hành kiểm tra.
Tuy kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, chưa phát hiện trong nước ngầm có những độc chất gây căn bệnh ung thư, nhưng các cơ quan đều cho rằng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm là có thật và đáng báo động.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Ban Kinh tế&Ngân sách HĐND TPHCM, các chỉ số nhiễm bẩn của nước ngầm từ chất hữu cơ mai táng (từ nghĩa địa Bình Hưng Hoà, rộng trên 60ha, chôn cất hơn 70.000 ngôi mộ) thẩm thấu qua đất rất lớn, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân khi sử dụng nước ngầm sinh hoạt. Những mẫu nước xét nghiệm cho kết quả nước có mùi và vị lạ hơn nguồn nước ngầm ở những nơi khác, độ pH trong nước ngầm nơi đây khá thấp...
Xe bồn đổ nước sạch cho một điểm công cộng để bán cho dân. |
Tình trạng nguồn nước ngầm ô nhiễm không chỉ riêng tại P.Bình Hưng Hoà A, Q.Bình Tân với chất hữu cơ từ nghĩa địa lâu ngày thẩm thấu vào nước ngầm trên phạm vi rộng. Nguồn nước ngầm còn bị ảnh hưởng trầm trọng bởi nước rỉ rác từ bãi rác Gò Cát ngấm vào lòng đất, các dòng kênh nước đen, kênh thối và hàng loạt cơ sở gây ô nhiễm khác.
Trong các cuộc họp từ tổ dân phố cho đến cấp quận, người dân đều bức xúc về tình trạng sức khoẻ ngày càng bị đe doạ do sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm bẩn và yêu cầu được cung cấp nước sạch.
Trên thực tế, suốt nhiều năm qua, nhu cầu chính đáng này của người dân vẫn chưa được đáp ứng. Theo bà Huỳnh Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch UBND P.Tân Quý, Q.Tân Phú - chính quyền địa phương bức xúc về chuyện thiếu nước sạch cũng không kém người dân.
Mỗi năm, địa phương đều nhiều lần làm việc, đề nghị với ngành cấp nước triển khai kế hoạch cung cấp nước sạch cho người dân, nhưng kết quả đạt được như "muối bỏ bể".
(Theo Lao Động)