Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chuyển đổi sang công ty cổ phần
Theo hồ sơ dự án từ UBND thành phố Cam Ranh, dự án nuôi tôm công nghiệp ở xã Cam Thịnh Đông nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia, với mục đích tạo ra nguồn tôm nguyên liệu ổn định, phục vụ xuất khẩu và tập hợp người nuôi tôm địa phương sản xuất theo quy trình công nghiệp. Dự án có s ố vốn phê duyệt ban đầu gần 40 tỉ đồng, với tổng diện tích 160ha. Được triển khai từ năm 2001 nhưng đến năm 2007, dự án mới hoàn thành được 44 hồ nuôi, cùng nhiều hạng mục khác trên diện tích hơn 71ha, mức đầu tư tiêu tốn 17 tỉ đồng. Trong đó, 26 hộ dân bị thu hồi đất nuôi tôm để phục vụ dự án này. Đến tháng 3/2010, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định thu hồi số diện tích đất nói trên giao cho Công ty cổ phần xây dựng thủy sản Thông Thuận Cam Ranh thuê lại và mua tài sản trên đất theo quy định pháp luật, để đầu tư xây dựng khu nuôi tôm công nghiệp, thời hạn thuê đất đến tháng 9/2038. Như vậy từ một công trình nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia với số tiền đầu tư hàng chục tỉ đồng, đến nay dự án đã trở thành công trình của công ty cổ phần.
Tìm hiểu nguyên nhân, ông Trần Văn Ớt, Phó phòng kinh tế thành phố Cam Ranh cho biết, thời điểm năm 2007, UBND thị xã (nay là thành phố) Cam Ranh xin ý kiến của tỉnh về việc triển khai mô hình quản lý để điều hành hoạt động, phát huy được dự án của nhà nước này. Phương án đầu tiên, thành lập một Ban quản lý dự án do nhà nước đứng ra tổ chức sản xuất, thu hút người dân cùng đầu tư nuôi tôm. Tuy nhiên việc hoạt động của Ban quản lý này không đạt được hiệu quả. Sau đó, UBND thị xã Cam Ranh xin UBND tỉnh Khánh Hoà có phương án thành lập công ty cổ phần để hoạt động tốt hơn.
Còn theo ông Nguyễn Quang Tính, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Thông Thuận Cam Ranh - đơn vị có đơn xin được tiếp quản dự án, sau khi tỉnh đồng ý bàn giao dự án này cho Công ty, qua khảo sát với hiện trạng thiết kế hồ tôm của dự án nhìn chung không phù hợp, các trang thiết bị trước kia do không được quản lý chặt nên đa số hư hỏng, buộc Công ty phải cải tạo gần như toàn bộ, đến nay công việc vẫn chưa xong. Bên cạnh đó, theo kế hoạch đầu tư, năm 2009 công ty nhận dự án, tuy nhiên thời điểm đó khu vực này có nhiều hộ dân sinh sống. Những hộ dân đã phản ứng vì đền bù không thỏa đáng, công ty phải tiếp tục tiến hành thương thảo, đền bù.
Dân được hưởng lợi gì?
Năm 2012, Công ty cổ phần thủy sản Thông Thuận Cam Ranh đã cải tạo xong 44 hồ tôm trên thành gần 100 hồ và đưa vào hoạt động 93 hồ. Theo tính toán, với 75 triệu con giống, nếu đạt được tỷ lệ 80%, sản lượng thu về đạt khoảng 500 tấn. Như vậy, dự án nuôi tôm công nghiệp đã hoạt động được sau gần 11 năm xây dựng, thế nhưng về phía người dân bị thu hồi đất, họ được hưởng lợi gì?
Ông Đỗ Mạnh Hùng, một người dân bị thu hồi đất cho biết: Gia đình ông có 6 sào tôm, được nhận đền bù 13 triệu đồng và chờ được thuê lại hồ tôm, tham gia vào dự án. Tuy nhiên, dự án đi vào bế tắc và bị chuyển đổi. Đất đầu tư công người dân đồng ý đền bù với giá thấp, nhưng đến nay lại thuộc về công ty cổ phần nên chúng tôi rất bức xúc.
Về việc người dân phản ánh, ông Nguyễn Quang Tính cho biết: Sau khi thành lập công ty cổ phần thủy sản Thông Thuận Cam Ranh, 26 hộ dân bị thu hồi đất được tham gia mua cổ phần ưu đãi. Công ty hứa đứng ra bảo đảm với ngân hàng cho những hộ dân đó vay tiền để sản xuất chung với công ty. Nhưng họ không chịu hợp tác vì sợ lỗ do giá tôm thấp và dịch bệnh. Công ty đã mua lại số cổ phần đó với tính chất “thị xã từng hứa cho dân thuê lại hồ tôm của dự án”.
Ảnh minh họa
Ông Đào Công Thiên, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho rằng, do tình hình dịch bệnh, giá tôm rớt nên người dân không dám tham gia dự án nữa, còn sự vụ cụ thể phải hỏi UBND thành phố Cam Ranh. Về phía thành phố, ông Trần Văn Ớt, cho rằng thành phố đã làm theo ý kiến chỉ đạo của tỉnh, dự án hiện đang được triển khai tốt. Ông Trần Đăng Đệ, Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Đông cho biết, việc dự án có hiệu quả hay không xã không đánh giá được, nhưng từ khi đi vào hoạt động xã vẫn chưa thấy được lợi ích đem lại cho người dân.
Dự án nuôi tôm thẻ công nghiệp đi vào hoạt động là tín hiệu đáng mừng, tránh được sự lãng phí đáng tiếc từ việc đầu tư công. Tuy vậy, các cấp chính quyền, doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa cần tính toán lại lợi ích hài hòa, thiết thực cho người dân từ những dự án công như thế này.