Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cả làng sống cùng thạch tín

(23:59:11 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Sau khi có kết quả xét nghiệm hơn 100 mẫu nước từ các giếng khoan của Sở Khoa học Công nghệ&Môi trường Hà Tây (cũ), dân xã Đông Lỗ bỗng kinh hoàng khi biết được bấy lâu nay họ đang phải sống chung với nguồn nước bị nhiễm thạch tín với nồng độ rất cao.

Những mảng rau muống ngày càng thưa dần trên các sông, ao, hồ.
Sau khi có kết quả xét nghiệm hơn 100 mẫu nước từ các giếng khoan của Sở Khoa học Công nghệ&Môi trường Hà Tây (cũ), dân xã Đông Lỗ bỗng kinh hoàng khi biết được bấy lâu nay họ đang phải sống chung với nguồn nước bị nhiễm thạch tín với nồng độ rất cao.

Điều đó có thể giải thích cho nguyên nhân số người bị mắc bệnh ung thư tại địa phương trong những năm lại đây lại gia tăng đột biến

Ốc đảo hoang mang...

Xã Đông Lỗ có trên 6.000 dân, được chia thành sáu thôn, tuy nhiên trong những năm gần đây tỉ lệ dân thôn Thống Nhất bị mắc bệnh ung thư gia tăng đột biến. Cả thôn có gần 1.100 dân nhưng trong hơn 10 năm trở lại đây, số người chết vì bệnh ung thư đã trên 80 người.

Thôn Thống Nhất được ví như một ốc đảo bởi sự biệt lập với những thôn khác trong xã. Toàn thôn bị bao bởi sông Nhuệ đang ô nhiễm nặng, do nước thải từ Hà Nội và một số địa phương đổ về. Dòng nước luôn đen ngòm, bốc lên mùi hôi thối.

Trước đây, khi chưa có kết quả xét nghiệm về nguồn nước, người dân vẫn vô tư sử dụng nước ô nhiễm cho sinh hoạt hàng ngày. Nhiều khi thấy cá, tôm chết nổi, người dân vô tư vớt về ăn, dù khi ăn thấy có mùi thum thủm. Khi mang cho lợn, gà ăn thì lợn gà chết mà không hiểu nguyên nhân. Từ đấy trong làng người dân thi nhau... mắc bệnh, sức khoẻ giảm sút trông thấy.

Theo nhẩm tính của ông Nguyễn Trung Dũng - bí thư chi bộ thôn, -trong những năm gần đây, số người bị chết vì bệnh ung thư là không ít. Chỉ riêng năm 2006 có tới 12 người chết vì bệnh ung thư, đa phần là ung thư gan. Năm 2007 cũng có bảy người  chết do ung thư và từ đầu năm 2008 đến nay dân làng cũng đã phải tiễn đưa tám người cũng vì căn bệnh trên.

Nhắc đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Khoái - phó bí thư chi bộ thôn  - bùi ngùi: "Số người chết vì bệnh ung thư trong độ tuổi lao động chiếm đa số. Có gia đình 2 - 3 người bị mắc bệnh, năm trước gia đình có người mất, năm sau lại mất thêm người nữa, thật buồn".

Cần có giải pháp lâu dài

Nước giếng khoan qua bể lọc thủ công cũng chỉ được dùng để rửa chân tay.

Kể từ khi có kết quả xét nghiệm về nồng độ thạch tín trong nước cao hơn nhiều lần so với quy định, hầu hết người dân đã có ý thức trong việc giữ gìn sức khoẻ. Các hộ trong thôn cũng tự giúp đỡ nhau xây bể nước mưa.
 
Được biết, năm 2006, tỉnh Hà Tây (cũ) có hỗ trợ dân trong xã 100 bể lọc, sau đó, Ngân hàng chính sách huyện Ứng Hoà cũng hỗ trợ bằng cách cho vay vốn để người dân xây bể nước mưa, hầm bioga. Song cho đến nay, những sự hỗ trợ trên... thưa dần.

Trong khi đó, mỗi hộ nếu phải bỏ ra 4 - 5 triệu đồng xây một chiếc bể nước cũng không phải dễ dàng. Điển hình như gia đình anh Bùi Văn Tám, mặc dù gia đình rất muốn có được bể nước sạch nhưng dù cố gắng, chắt chiu, anh chị cũng chỉ đủ tiền nuôi hai đứa con đang theo học đại học mà thôi.

Đấy là chưa kể đến nhà anh Nguyễn Công Chức, đã chắt chiu nuôi được sáu con bò dự định giáp Tết bán lấy tiền xây bể, nào ngờ tháng trước bò uống nước sông về đổ bệnh hàng loạt, con sẩy thai, con đi ngoài đành phải bán, lỗ hơn 20 triệu đồng. Vì thế, những gia đình hiện đang có đàn bò như gia đình anh Nguyễn Văn Cam, Nguyễn Văn Hải, Bùi Văn Chung luôn sống trong cảnh lo âu khi đi chăn bò.

Khi được hỏi về giải pháp ngăn chặn tình trạng dịch bệnh gia tăng do nguồn nước bị ô nhiễm, ông Phạm Đức Síu - trưởng thôn Thống Nhất - cũng chỉ cho hay, trước mắt địa phương vận động và khuyến cáo dân mỗi nhà tự xây bể nước mưa cho sinh hoạt và không dùng nước sông, hồ, nước giếng khoan cho việc ăn uống. Tuy nhiên, đến nay, toàn thôn cũng chỉ có chưa đầy 70 phần trăm số gia đình có bể nước mưa.

(Theo Lao Động)