Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi

(10:13:44 AM 24/07/2012)
(Tin Môi Trường) - Không nằm ngoài khó khăn chung của người chăn nuôi cả nước, nhiều hộ chăn nuôi ở Dak Lak cũng đang lâm vào cảnh khốn đốn vì giá bán sản phẩm thấp; gia súc, gia cầm bị bủa vây bởi dịch bệnh... Trong khi chờ các ngành chức năng đưa ra giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ, giúp đỡ thì người chăn nuôi đang đối mặt với nợ nần chồng chất và nguy cơ treo chuồng trong một sớm một chiều…

 

Khó khăn vây bủa

 

Chưa khi nào ngành chăn nuôi lâm vào cảnh khốn đốn như hiện nay, giá các sản phẩm chăn nuôi xuống thấp kỷ lục, trong đó giảm nhiều nhất là thịt lợn (giảm 17- 20%), thịt gia cầm (giảm 20-25%) và trứng gia cầm (giảm 38-45%). Nếu từ đầu năm 2012, giá thịt heo duy trì trên 50.000 đồng/kg thì đến nay chỉ còn từ 34.000-38.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi lên tới 46.000 – 47.000 đồng/kg. Như vậy, khi một con heo xuất chuồng, trung bình người chăn nuôi lỗ trên dưới 10.000 đồng/kg heo hơi. Đối với thịt gà cũng giảm mạnh, chỉ còn 25.000-35.000 đồng/kg tùy loại gà (giảm 10.000-12.000 đồng/kg so với trước đây). Với tình hình này, nhiều cơ sở, hộ  chăn nuôi đã phải giảm đàn, thậm chí ngừng nuôi vì thua lỗ nặng. Ông Lê Hữu Tuấn, chủ trang trại nuôi heo ở khối 2b, thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar) cho biết: “Tôi mới xuất chuồng 100 con heo thịt với giá 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, lỗ gần 100 triệu đồng”. Nhưng theo ông Tuấn, trang trại của ông vẫn còn may mắn vì còn duy trì được hoạt động chăn nuôi. Ở trong huyện của ông nhiều gia đình sau tết thấy giá heo tăng cao đã vay vốn để phát triển quy mô chăn nuôi, chưa kịp lấy lại vốn thì giá heo bất ngờ tụt dốc, khiến họ lỗ thê thảm, giờ đã treo chuồng mà nợ ngân hàng vẫn không trả nổi.


Giá thịt heo giảm mạnh khiến nhiều trang trại chăn nuôi trên  địa bàn tỉnh gặp  rất nhiều khó khăn

Giá thịt heo giảm mạnh khiến nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.


Theo nhận định của các nhà quản lý, nguyên nhân khiến giá sản phẩm chăn nuôi sụt giảm trước hết là do cung vượt cầu. Ở thời điểm từ tháng 3 đến tháng 8-2011, giá thịt gia súc, gia cầm, trứng tăng cao đã kích thích chăn nuôi phát triển mạnh, nhưng lại rơi trúng thời điểm suy giảm kinh tế khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ chăn nuôi giảm mạnh. Bên cạnh đó, hệ lụy của việc  sử dụng chất cấm Beta Agonist trong chăn nuôi dẫn đến việc người tiêu dùng quay lưng hoặc e dè lại với các sản phẩm từ thịt. Ngoài ra, tình hình dịch heo tai xanh đang tái bùng phát tại các huyện Ea Kar, M’Drak, Krông Pak, Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột cũng đã tác động xấu đến tâm lý người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Có một nghịch lý là trong khi mọi sản phẩm chăn nuôi bán ra đều giảm, nhưng giá các loại đầu vào chỉ có con giống là giảm, nhưng không đáng kể, còn lại thức ăn, các trang thiết bị chăn nuôi, thuốc thú y, điện, nước… đều tăng chóng mặt, kéo theo chi phí chăn nuôi tăng cao đã đẩy nhiều hộ chăn nuôi đến bờ vực phá sản. Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi: giá thức ăn chăn nuôi hiện nay tăng thêm 10% so với thời điểm 4 tháng trước đây, do 70% nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội đều phải nhập khẩu nên tỷ giá tăng đẩy chi phí lên cao.

 

Cần có giải pháp kịp thời

 

Đứng ở góc độ người chăn nuôi, nhiều chủ trang trại cho rằng: để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, trước mắt nhà nước cần có giải pháp về nguồn vốn như: có chính sách hỗ trợ vốn, chỉ đạo các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ cũ…Bên cạnh đó, cần nhanh chóng triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể ngành chăn nuôi nhằm tránh tình trạng dịch bệnh kéo dài như hiện nay. Ông Lê Hữu Tuấn kiến nghị: hiện giá vắc-xin phòng bệnh heo tai xanh đang khá cao, vì vậy nhà nước nên hỗ trợ tiêm vắc-xin cho những hộ chăn nuôi có từ 50 con trở xuống để tránh phát sinh dịch bệnh, đồng thời bảo vệ được những đàn heo khác trên địa bàn.

 

Tại cuộc họp bàn biện pháp giải cứu ngành chăn nuôi diễn ra hồi đầu tháng 7-2012 do Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức, các đại biểu thống nhất giải pháp trước mắt là cần phải giảm nguồn cung bằng cách: đối với hộ gia đình nên chuyển khoảng 15% lợn cai sữa sang làm lợn sữa quay; đối với cơ sở giết mổ áp dụng quy trình cấp đông sâu để lưu trữ thịt trong 3-4 tháng nhằm giảm nguồn cung ra thị trường. Còn theo Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, về lâu dài các doanh nghiệp nên cùng nông dân hình thành liên minh để xây dựng chuỗi chăn nuôi, góp phần làm tăng giá trị chăn nuôi và ổn định thị trường, đồng thời để dễ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý. Ngoài ra, cũng cần quan tâm thích đáng đến đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu dự báo thị trường …

 

Hiện tại, ngành chăn nuôi Dak Lak nói riêng và cả nước nói chung đang trông chờ vào gói hỗ trợ của Chính phủ mà Bộ NN-PTNT đã đề xuất với khoảng 9.000 tỷ đồng dành cho các trang trại chăn nuôi (ước khoảng 3.000 trang trại) nhằm giúp họ đáo nợ, giãn nợ cho các khoản vay cũ, hỗ trợ lãi suất tiền vay, đầu tư cho chăn nuôi trong khoảng 1 năm (từ tháng 6-2012 đến tháng 6-2013); hỗ trợ cho các trang trại vay mới với lãi suất dưới 10% để tái đàn…

(Theo Daklak Online)