Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Kiểu đò mui vòm truyền thống này đang bị “khai tử” - Ảnh: TRƯƠNG VỮNG |
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn (Phân viện Văn hóa nghệ thuật VN tại Huế), chiếc đò mui vòm truyền thống của Huế được các nhà nghiên cứu nước ngoài đánh giá đạt đỉnh cao về kỹ thuật cấu trúc. Chưa nói đến hình tượng đẹp trong nghệ thuật, thi ca..., con đò cũng chính là hình ảnh đại diện của văn hóa sông nước, là một bộ phận cấu thành nên văn hóa Huế. |
Người đầu tiên phát hiện sự bất thường này là nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Vững, khi anh đi sáng tác và bất ngờ nhìn thấy những con đò bỗng nhiên thay đổi mui vuông.
Bộ “đồng phục kiểu mới” này ra đời theo “Quy định mẫu mui đò cho các đò hành nghề trên sông thuộc địa bàn thành phố Huế”. Theo đó, mui đò dạng lắp ghép, mái mui che bạt, xung quanh để trống không được che chắn, chiều cao mui không quá 0,8m so với mạn, chiều dài không quá 2m dọc theo đò...
Khi neo đậu phải tháo dỡ toàn bộ mái, cột chống của mui đò, cấm không được sử dụng đò có mui để cư trú, sinh hoạt trên sông. Quy định này còn kèm theo bản vẽ cụ thể mẫu mui đò.
Ông Châu Văn Lộc - trưởng Phòng Quản lý đô thị Huế - cho biết việc ban hành quy định trên nhằm giải quyết triệt để tình trạng người dân sông nước đã được định cư quay lại sống lênh đênh trên con đò.
Ông Nguyễn Viết Bằng - phó trưởng Phòng Quản lý đô thị Huế, người trực tiếp thực hiện quy định về mẫu mui đò - nói mẫu mui đò mới dựa vào tham khảo thực tế nhiều chiếc đò di chuyển trên sông Hương để đánh bắt thủy sản và làm cát sạn.
Theo ông Bằng, mẫu mui đò mới khi lưu thông trên sông có thể che được mưa nắng, khi đậu đỗ có thể tháo lắp được, tránh việc cố định mui dễ nảy sinh ăn ở bên trong. Tuy nhiên, ông Bằng cũng thừa nhận khi thực hiện đã không nghĩ đến các yếu tố thẩm mỹ và văn hóa, mà chỉ nghĩ đến tiện cho việc quản lý sinh hoạt trên đò.
Quá ngạc nhiên với quy định này, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức - trưởng khoa mỹ thuật ứng dụng Trường ĐH Nghệ thuật Huế, người từng nghiên cứu kỹ chiếc đò truyền thống Huế - cho biết chiếc đò mui vòm của Huế đã đạt tỉ lệ hoàn chỉnh, hài hòa với công năng sử dụng. Yếu tố chính của sự hài hòa là ở vòm cong của mui đò, rất “ăn” với đường cong của mạn đò.
“Nó vừa đẹp, thanh thoát, vừa rất duyên, lại vừa thuận tiện sử dụng nữa. Đó là chưa nói đến con đò này đã góp phần tạo thành không gian văn hóa sông Hương, do đó rất nên bảo tồn” - ông Đức nhận định.
Về mẫu đò mới, ông Đức nhận xét nó gần giống với mẫu tàu cá đi biển chứ không phải trên sông. Giữa mui và đò lại thể hiện sự chắp vá, không ăn nhập giữa thân cũ và mui mới, lại rất mất cân đối cũng như vô lý về mặt kết cấu.
“Có thể thông cảm cho nhà quản lý nhằm tránh tình trạng tái vạn đò, nhưng áp dụng ngay mẫu mui đò mới là vội vàng” - ông Đức nói.