Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sông Vàm Cỏ ô nhiễm tăng nhanh

(23:59:02 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Mức độ ô nhiễm ở sông Vàm Cỏ (nằm trên địa giới các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Tây Ninh, Long An và một phần Tây Nam TPHCM) đang tăng nhanh, trong khi các dự án ở đây chưa tính đến hoặc chưa tính đủ những rủi ro sẽ xảy ra.

Một khúc sông Vàm Cỏ Tây. Ảnh: H.HÙNG
Mức độ ô nhiễm ở sông Vàm Cỏ (nằm trên địa giới các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Tây Ninh, Long An và một phần Tây Nam TPHCM) đang tăng nhanh, trong khi các dự án ở đây chưa tính đến hoặc chưa tính đủ những rủi ro sẽ xảy ra.

 

Lưu vực sông Vàm Cỏ, rộng hàng trăm ngàn hecta, bao gồm hai con sông chính là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây với các vùng nằm trên địa giới các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Tây Ninh, Long An và một phần Tây Nam TPHCM. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm ở hai con sông này đang tăng nhanh, trong khi các dự án được thực thi ở đây chưa tính đến hoặc chưa tính đủ những rủi ro nguy hiểm sẽ xảy ra trong tương lai.

 

Hứng chịu nhiều nguồn nước thải

 

Nếu vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang và cả Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ của Long An) có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa như Đồng Nai, Bình Dương, tốc độ chết và khả năng chết của sông Vàm Cỏ rất nhanh, hơn cả sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, vì khả năng tự làm sạch của sông Vàm Cỏ rất thấp.

 

Đoạn sông Vàm Cỏ Đông chảy qua Bến Lức (Long An) đã, đang và sẽ hứng chịu hàng trăm, hàng ngàn mét khối nước thải công nghiệp của các khu công nghiệp (KCN) mới mọc lên. Số liệu nghiên cứu cho thấy mức độ ô nhiễm hữu cơ, nhất là ô nhiễm hóa chất từ nước thải các nhà máy KCN tăng lên rất nhanh, năm sau cao hơn năm trước. Nhiều dự án đã và sẽ mọc lên thế nhưng nước thải, khí thải và rác thải không ai quản lý nổi!

 

Riêng tỉnh Long An, tổng số 25 KCN được rải đều trên lưu vực sông Vàm Cỏ Đông. Từ năm 1996 đến nay, các cơ sở công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cũng tăng khá cao. Các ngành công nghiệp nằm ở đầu nguồn, tuy không thải ra chất thải nguy hại nhưng cũng không có công nghệ xử lý nước thải.

 

Trong khi đó khả năng tự làm sạch hai con sông Vàm Cỏ rất thấp nên sẽ gây khó khăn cho vùng hạ lưu. Riêng sông Vàm Cỏ Đông, kết quả nghiên cứu ghi nhận: Về lưu lượng nước thải KCN, cụm công nghiệp ước tính hiện nay hằng ngày đưa vào môi trường là 154.687 m3.

 

Ngoài nước thải tập trung từ các KCN, lưu vực Vàm Cỏ còn tiếp nhận một lưu lượng lớn từ một số nhà máy, xí nghiệp nằm ngoài KCN. Ví dụ, ở sông Vàm Cỏ Đông có Nhà máy Đường Hiệp Hòa với lưu lượng nước thải là 2.700 m3/ngày, Nhà máy Đường Ấn Độ lưu lượng 904 m3/ngày,...

 

Dự báo ô nhiễm nguồn nước trong lưu vực sông Vàm Cỏ Đông do chất thải công nghiệp ngày càng tăng nhanh trong giai đoạn 2005 – 2015.

 

Ô nhiễm đáng lo ngại

 

Quan trắc năm đợt thay đổi theo thời gian (2005-2007), tại các điểm khu vực chợ, khu vực dân cư tập trung và các nguồn thải từ các cống xả của các nhà máy trên sông bắt đầu từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Vàm Cỏ, cho thấy ôxy hòa tan tại các điểm thải như nhà máy Đường Hiệp Hòa, cầu Đức Huệ, chợ Trà Cú, các nhà máy dệt nhuộm rất thấp, không đạt tiêu chuẩn loại B. Nguyên nhân là do các điểm trên chưa có hệ thống xử lý nước thải nên đã thải trực tiếp ra sông.

 

Lượng ôxy hòa tan trên sông Vàm Cỏ Đông trong khu vực Công ty Đường Hiệp Hòa hai ngày sau khi cá trên sông chết hàng loạt đã minh chứng cho thấy rằng lượng DO rất thấp tại nơi đây. Ở một cống xả trên sông như Nhà máy Đường Hiệp Hòa, Nhà máy Đường Ấn Độ luôn có hàm lượng COD cao. Một vài thời điểm, hàm lượng này rất cao, vượt tiêu chuẩn loại B.

 

Từ kết quả quan trắc trong bảy đợt dọc theo sông Vàm Cỏ Đông cho thấy: Tại khu vực xả nước thải của Nhà máy Đường Hiệp Hòa, khu dệt nhuộm của Formosa, nhà máy chế biến khoai mì, Nhà máy Đường Tây Ninh, nước thải KCN Trảng Bàng, nước từ rạch Tây Ninh qua thị xã Tây Ninh... khả năng làm ô nhiễm môi trường nước từ nguồn nước thải công nghiệp là chủ yếu. Trong đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông lưu vực Vàm Cỏ Đông là rất đáng lo ngại.

 

Khi đã có KCN tất yếu sẽ có các khu dân cư mới cho công nhân, lại phải có chợ, trường học mọc lên trên những cánh đồng hoang vắng trước kia... Vấn đề là ở chỗ hiện người ta vẫn chưa tính khả năng chịu tải của hệ thống lưu vực sông này có thể mang trên mình nó số dân là bao nhiêu?

 

Tải lượng ô nhiễm trong tương lai phải kìm giữ mức giới hạn bao nhiêu để sông Vàm Cỏ cùng với hệ sinh thái lưu vực của nó, vốn có sức chịu tải rất yếu kém này không trở thành sông chết? Muốn vậy phải tiến hành nghiên cứu trước lúc đưa ra bất cứ dự án quy hoạch hay kế hoạch sử dụng đất nào...

 

Tám vấn đề cần làm

1. Tổng hợp tư liệu tài liệu, đánh giá hiện trạng hệ sinh thái lưu vực sông Vàm Cỏ.

2. Đánh giá tải lượng hiện tại ở mỗi lưu vực.

3. Dự báo biến đổi ô nhiễm theo nhiều phương án quy hoạch khác nhau.

4. Chọn bài toán kinh tế sinh thái với mức tải lượng ô nhiễm trong nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, công nghiệp, dân cư.

5. Tính khả năng chịu tải và tự làm sạch tối đa đề xuất định hướng quy hoạch tối ưu.

6. Quản lý thống nhất nguồn tài nguyên nước trong lưu vực sông Vàm Cỏ.

7. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý môi trường.

8. Thiết lập khung thể chế quản lý tài nguyên nước trong lưu vực.

(Theo Người Lao Động)