Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cà phê Bromo

(20:25:02 PM 17/07/2012)
(Tin Môi Trường) - Trước lúc lên đường, bạn tôi dặn đừng quên thưởng thức cà phê Bromo. Tôi đã rất thắc mắc bởi Bromo cũng là tên một ngọn núi lửa nổi tiếng nằm trên dãy Tengger ở phía đông đảo Java (Indonesia).

Tôi đã có hai ngày được tận mắt ngắm nhìn, dạo chơi và cảm nhận sự chuyển động của ngọn núi lửa danh giá trong ngành du lịch Indonesia này.

Cà phê Bromo - Ảnh: Băng Giang

 

Hôm đó trời mù mịt sương. Khói bụi từ ngọn núi lửa đang trở mình phun ầm ào trên bầu trời, phủ lên làng Cemoro Lawang một tấm áo màu chì xám xịt.

 

Gió thổi khá gắt và không khí ẩm ướt. Sau khi làm vài vòng xe máy và cả đi bộ loanh quanh ngôi làng vắng vẻ và tro bụi tràn ngập, tôi quay trở về nhà hàng Cemerah Indah bên bờ vực. Bromo bên ngoài ô cửa kính vẫn đang ầm ĩ trở mình.

 

Tôi gọi nhân viên mang cho mình một ly cà phê Bromo nóng. Để xem có điều gì đặc biệt khiến bạn tôi không thể nào quên.

 

Indonesia là một trong những quốc gia nổi tiếng trên thế giới về trồng và xuất khẩu cà phê, phổ biến là cà phê Arabica, loại cà phê phát triển tốt ở độ cao 1.500m, phù hợp với điều kiện địa hình và thổ nhưỡng của các nước cận xích đạo.

Cà phê Bromo được phục vụ theo kiểu bản địa đơn giản, có cách pha khá lạ so với cách uống cà phê thông thường ở Việt Nam. Ở Việt Nam hoặc là cà phê tan, hoặc là cà phê phin, lọc riêng phần bột và phần nước. Ở Bromo và nhiều nơi khác ở Indonesia thì khác. Cà phê được pha trực tiếp bằng cả hỗn hợp bột cà phê với nhiều đường và nước nóng. Nếu bạn muốn sữa thì hãy yêu cầu, sẽ có sữa đặc đóng hộp bỏ thêm.

 

Xem nào. Cà phê có vị thơm cháy, nhạt hơn cà phê Việt một chút. Và có phải đến gần một nửa cốc là bã bột cà phê không tan. Nếu muốn thưởng thức mà không bị gợn, bạn phải đợi một lúc cho bột lắng xuống đáy cốc, rồi uống lớp cà phê ở phía trên.

 

Bromo hoạt động dữ dội trở lại đã hạn chế khá nhiều du khách đến với điểm đến nổi tiếng này. Tôi gần như là vị khách duy nhất trong cả ngày hôm đó tại Cemerah Indah sau khi các lữ khách đến từ sớm săn bình minh đã rời đi sau chuyến xe đi Probolingo lúc 9g sáng. Cứ một chốc, một lát tôi lại ra hỏi người quản lý đã có du khách nào đến chưa.

 

Đã uống đến ly cà phê Bromo thứ hai trong ngày… Và đến lần này thì đúng là hương vị Bromo. Tôi cảm nhận được mùi vị của cả... ngọn núi lửa. Đậm đà và đầy ấn tượng.

Nhà hàng Cemerah Indah vắng khách khi núi lửa Bromo (bên ngoài ô cửa kính) hoạt động trở lại - Ảnh: Băng Giang

 

Cuối cùng, khi rời quán tôi đã hỏi Mitra (cậu bạn người địa phương mới quen) và được hướng dẫn xuống một cửa hiệu tạp hóa nhỏ xíu ở làng Cemoro Lawang để tìm mua cà phê đóng gói sẵn bán lẻ. Cửa hiệu chỉ còn 2 dây cà phê khoảng 20 gói hiệu Kapal Api để tôi mang về làm quà.

 

Vào những ngày mưa gió ướt át như thế này, tôi lại bồi hồi nhớ ly cà phê Bromo.

Thủy OCG (TTO)