Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

'Núi vàng' bị lãng quên ở Việt Nam

(09:06:58 AM 17/07/2012)
(Tin Môi Trường) - Mỗi người Việt Nam thải ra 1kg rác thải điện tử mỗi năm. Nếu biết cách tận dụng và khai thác thì đây là một núi vàng...

Theo thống kê của Viện Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 120.000-150.000 thiết bị điện và điện tử gia dụng (ti vi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa,…), khoảng 200.000-300.000 chiếc máy tính. Đó là chưa kể đến số lượng điện thoại di động được thải ra khá lớn. Đây là loại rác thải điện tử khá lớn ở Việt Nam vì vòng đời sử dụng ngắn chỉ 1-2 năm.

Rác điện tử không thể xem nhẹ

Riêng tại TP.HCM, số liệu mà Thạc sĩ Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM cung cấp thì chỉ tính riêng ở TP.HCM (địa phương có khối lượng chất thải rắn - gồm cả rác thải điện tử - hàng năm rất lớn: 6.800 – 7.000 tấn/ngày, trên 1,7 triệu tấn/năm), tỷ lệ gia tăng chất thải rắn đô thị liên tục tăng từ 8 - 10%/năm. Trong đó, chất thải rắn công nghiệp chiếm 1.200 – 1.500 tấn/ngày; chất thải nguy hại: 200-300 tấn/ngày… 10 – 25% khối lượng là các chất có khả năng tái chế như plastic, giấy, kim loại.

Ông Trần Quang Hùng Phó tổng thư ký Hiệp hội Điện tử Việt Namcho biết, phế thải điện tử rất độc. Các bo mạch, mối hàn trong ti vi, tủ lạnh, máy giặt, pin… thường có chứa rất nhiều chất độc như chì, thủy ngân… Đây là những chất độc có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngoài ra, các kim loại nặng thường có trong linh kiện điện tử còn có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường hô hấp và đường miệng khiến cơ thể bị suy yếu hoặc ngộ độc.

Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Văn Ngọ, chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, mặc dù rác điện tử có những nguy hại tới môi trường và sức khỏe nhưng nên nhìn nhận đây như một nguồn tài nguyên. Thực tế cho thấy, ở các quốc gia phát triển, rác thải điện tử được tận dụng như một nguồn tài nguyên phong phú. Theo tính toán, rác điện tử có giá trị hơn cả quặng vàng. Mỗi tấn phế thải linh kiện chứa lượng vàng nhiều gấp 17 lần so với một tấn quặng vàng. Trong 41 chiếc điện thoại di động có một lượng vàng tương đương lượng vàng trong 1 tấn quặng vàng. Để khai thác kim loại từ quặng mỏ, phải đầu tư tốn kém và vất vả, trong khi đó người ta có thể khai thác kim loại quý hiếm ít vất vả tốn kém hơn nhiều từ  thiết bị điện tử, máy móc gia dụng.

Hằng năm có hàng tấn rác điện tử như tivi, đầu đĩa, máy tính được thải bỏ… rất lãng phí (ảnh Liên Cơ)

Theo một báo cáo của LHQ, thông thường ở các nước nghèo, thiết bị vi tính, điện thoại di động hư hỏng đều bị vứt bỏ chứ không thu gom để tái chế. Riêng ở Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 4 tấn vàng, 28 tấn bạc và 6.000 tấn đồng trong máy tính và điện thoại di động hỏng bị vứt vào bãi rác.

Hình thành ngành công nghệ xử lý và tận thu tài nguyên rác điện tử

TS Nguyễn Thanh Tuyên cho biết, kinh nghiệm cho thấy ở các quốc gia phát triển, họ có riêng Luật tái chế, trong đó có những quy định cụ thể về tái chế các thiết bị điện, điện gia dụng. Các nước đó thường có văn bản, chỉ thị quy định trách nhiệm kéo dài đối với các nhà sản xuất. Các nhà sản xuất phải thu gom các sản phẩm đã qua sử dụng của họ và giảm sử dụng các chất độc hại (chì, thủy ngân...) trong sản phẩm. Bên cạnh việc gắn trách nhiệm cho nhà sản xuất, sự vào cuộc của Nhà nước và nâng cao nhận thức của người dân là rất cần thiết.

Hiện nay, liên quan đến các văn bản pháp luật về vấn đề rác điện tử mới chỉ có Thông tư số 30/2011/TT-BCT quy định tạm thời về hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử và “Quy định về thu hồi, xử lý một số sản phẩm thải bỏ”, trong đó gồm một số loại sản phẩm điện tử như: ắc-quy, đèn pin, bóng đèn compact và huỳnh quang, máy vi tính, máy in… đang được Bộ TN - MT đã ra dự thảo, lấy ý kiến và chuẩn bị trình Thủ tướng ban hành.

Theo GS Nguyễn Văn Ngọ, cách tốt nhất trong tình hình Việt Nam để xử lý vấn đề rác điện tử đó là phải xác định rõ trách nhiệm của từng mắt xích trong chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm điện tử. Trước mắt, nên thí điểm thành lập một số doanh nghiệp thu gom, nơi tháo dỡ, nơi tái chế rác điện tử. Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật để xử lý rác thải điện tử đạt hiệu quả cao và không gây ô nhiễm môi trường.
Liên Cơ (ĐVO)