Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Từ văn hóa an toàn đến an ninh môi trường

(08:57:53 AM 17/07/2012)
(Tin Môi Trường) - Khoảng 4g30 phút sáng 15/4/2012, hàng nghìn khối đất đá từ bãi thải của mỏ than Phấn Mễ bất ngờ sạt lở vùi lấp nhà cửa của 10 hộ dân, 6 ngôi nhà khác trong khu vực bị ảnh hưởng. Hãy bỏ qua những tranh luận - và kể lể - và giả thiết về nguyên nhân xảy ra sự cố, việc này còn tốn thời gian và giấy mực.

Vấn đề là bãi thải đã lở và người đã chết. Vấn đề là ngay sau khi sự cố đã xảy ra tại bãi thải mỏ Phấn Mễ, một lãnh đạo của công ty khai thác than Phấn Mễ lên VTV1 vẫn khẳng định như đinh đóng cột rằng bãi thải rất an toàn. Hiện tượng sạt lở ở Phấn Mễ từng xảy ra vào các năm 1998 và 2006.
Người dân đã nhiều lần gửi đơn đề nghị tới các cơ quan chức năng và mỏ than, nhưng chưa một lần được hồi âm.

Đúng 1 tuần sau, 3g30 phút sáng 22.4, một vụ sụt lở khác đã xảy ra tại bãi thải của Công ty Than Núi Hồng chỉ cách mỏ Phấn Mễ chừng 15 km làm 1 người tử vong.

  Vụ sạt lở ở mỏ than Phấn Mễ. (Ảnh: Danh Trường)

Những năm gần đây không kể hết những vấn đề mất an toàn môi trường liên quan đến sản xuất. Từ chuyện các thầy cô giáo ở gần mỏ chì kém trong tỉnh Bắc Cạn bị nhiễm chì, các vụ ô nhiễm nước nhiều nơi gây chết thủy sản hàng loạt; vấn đề sức khỏe người dân do ô nhiếm tại các điểm đào đãi vàng ở Quảng Nam; vấn đề cát bay và phát tán phóng xạ do khai thác sa khoáng titan ven biển; vấn đề cạn kiệt nguồn nước ngầm do nuôi tôm trên cát ở nhiều vùng ven biển miền Trung, chuyện mấy lần tràn dầu ở vịnh Đà Nẵng; vấn đề nứt đập thủy điện Sông Tranh 2, vấn đề liên đới giữa nhà máy super lân Lâm Thao với “làng ung thư” Thạch Sơn, Phú Thọ; vấn đề nhà máy boxit – alumin Tân Rai, Lâm Đồng chưa sản xuất đã làm rò rỉ kiềm gây ô nhiễm nguồn nước xung quanh; rồi trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm thì nào nước tương có 3 - MCPD, bánh phở có formon, bánh chưng luộc với ắc-quy, thịt heo có “chất cấm”, thuốc cam có chì, thủy sản có dư lượng chất kháng sinh cao, rau quả chứa chất kích thích, chất bảo quản, hay dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật quá cao, vụ mang lậu tôm hùm đỏ và rùa tai đỏ vào nuôi trong nước phải mất gần nửa năm mới giải quyết tạm ổn… cho đến chuyện thời sự ở Quảng Ngãi về “bệnh lạ”.

Cũng không cần và không thể kể hết ở đây các sự cố môi trường liên quan đến các hệ sản xuất đang diễn ra ở nước ta. Vấn đề cần nhận rõ là không ít hệ sản xuất ở nước ta thiếu một thứ văn hóa cơ bản đó chính là “Văn hóa an toàn”. Không ít hệ sản xuất chỉ nhăm nhăm vào việc giảm chi phí để tăng lợi nhuận mà không cần để tâm đến sự an toàn. Khi sự cố xảy ra thì phản ứng đầu tiên của nhà sản xuất là tuyên bố trấn an dư luận bằng những lý luận kém thuyết phục.

Sự tràn lan cái thứ “văn hóa” không an toàn đó sẽ không có gì đáng nói nếu chúng xuất hiện lẻ tẻ, rời rạc, cục bộ. Tuy nhiên, nếu chúng phổ biến rộng khắp thì sẽ không còn là vấn đề an toàn môi trường nữa. Nó đã trở thành một vấn đề quốc gia đại sự tên là “An ninh môi trường”.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe (Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam)