Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nơi cầu duyên nổi tiếng "linh thiêng" ở đất Hà thành

(12:15:04 PM 16/07/2012)
(Tin Môi Trường) - Đến chợ Cổ Loa, chúng tôi hỏi đường, ai cũng tỏ ra sốt sắng: "Các em đi cầu duyên đúng không? Am Bà linh thiêng lắm, cứ sang đó cầu khẩn thành tâm thì về kiểu gì cũng nên duyên chồng vợ"(!?).

Lạ kỳ phiến đá cụt đầu

Am Mỵ Châu nằm trong quần thể khu di tích Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ông Nguyễn Văn Đồng, 68 tuổi, thủ nhang am đon đả tiếp chúng tôi. Hằng ngày, người đàn ông này có trách nhiệm lo hương khói, hướng dẫn du khách vào lễ bái, khi cần cũng chính ông sẽ làm lễ giúp họ.

Giọng ông Đồng chậm rãi ôn lại tích xưa. Chuyện rằng, sau khi mắc mưu cha con Triệu Đà, thành Cổ Loa thất thủ, vua An Dương Vương cưỡi ngựa cùng công chúa Mỵ Châu chạy về phía Nam. Đến đèo Mộ Dạ (thuộc huyện Diễn Châu, Nghệ An ngày nay) thì ngựa cùng sức kiệt, trong khi quân Triệu Đà đang đuổi theo sau, vua hướng ra biển và khấn thần Kim Quy cứu mình. Thần hiện lên và bảo: "Giặc đang ở sau lưng nhà vua đó".

Vua quay lại, thấy công chúa Mỵ Châu đang miệt mài rứt lông ngỗng từ chiếc áo để đánh dấu cho Trọng Thủy tìm theo. Nghĩ con mình phản bội, vua cha rút gươm, chém đầu con gái. Trước khi chết, Mỵ Châu quỳ xuống chân vua cha và nguyện rằng: "Nếu con là kẻ bất trung có lòng hại cha, khi chết thân xác con sẽ biến thành tro bụi. Bằng không sẽ hóa thành ngọc, thành đá trôi về hầu cha".

Sau đó, người trong vùng Diễn Châu bỗng thấy có hòn đá tượng người cụt đầu gần bờ biển. Người ta có ý định khiêng hòn đá ấy đi nhưng không tài nào khiêng nổi. Thủy triều lên, hòn đá ấy trôi theo dòng nước, ngược xuống phía Bắc, từ biển lại trôi ngược về sông Cầu, vào sông Hoàng Giang chảy quanh thành Cổ Loa thì dừng lại, cứ lập lờ trôi trên sông.
 

Dân làng thấy thế, biết là có "điềm" liền đem kiệu ra rước hòn đá về thờ. Thuở ấy, ở chỗ am ngày nay có một cây đa cổ thụ chừng hai nghìn năm tuổi. Khi đoàn người rước hòn đá qua chỗ này thì đá bị tuột xuống gần gốc đa, không thể khiêng đi được nữa. Dân làng thấy vậy liền lập am thờ, ngày đêm hương khói và cho rằng tượng đá là hóa thân của công chúa Mỵ Châu trôi về hầu cha như lời nguyện trước khi nàng chết.

"Hiện, trong vùng Diễn Châu cũng có đền thờ Mỵ Châu. Hàng năm, vào dịp lễ hội, người ta vẫn ra đây chiêm bái", ông Đồng cho biết thêm.

 

Ông Nguyễn Văn Đồng, thủ nhang am Mỵ Châu bên phiến đá cụt đầu được cho là tượng nàng Mỵ Châu.
Ông Nguyễn Văn Đồng, thủ nhang am Mỵ Châu bên phiến đá cụt đầu được cho là tượng nàng Mỵ Châu.


Phiến đá tự lớn (!?)

Cũng theo lời ông Đồng, trước đây, am Mỵ Châu không lớn như thế này. Phiến đá cũng nhỏ lắm.

Ông kể: "Các cụ trong làng vẫn truyền cho con cháu nghe câu chuyện rằng, khi mới xây am, am chỉ to hơn cái miếu một tí. Phiến đá được đặt gọn trong am. Thế nhưng, kỳ lạ thay, phiến đá cứ lớn dần, lớn dần. Người ta lại phải phá am cũ đi, xây am mới to rộng hơn. Phiến đá cứ lớn mãi khiến dân làng làm lại am không biết bao nhiêu lần. Sau cùng, các cụ liền làm lễ khấn mong hòn đá không lớn nữa, bởi nếu cứ như thế thì sẽ lại phải tiếp tục phá am để làm lại. Quả đúng như lời cầu khẩn, hòn đá giữ nguyên kích thước cho đến ngày nay. Và vì thế mà am cũng không phải xây thêm lần nào nữa".

Hiện, phiến đá được đặt trong hậu cung. Theo lệ, chỉ có mùng một và ngày rằm mới được mở. Theo quan sát của chúng tôi, phiến đá này cao chừng 1,5m, rộng chừng hơn 1m, được trùm kín bởi một tấm vải lớn. Phiến đá có hình dáng như một người đang ngồi nhưng bị cụt đầu.

 

Nhiều người tin rằng, am Mỵ Châu thật sự  linh thiêng để cầu xin tình duyên.
Nhiều người tin rằng, am Mỵ Châu thật sự linh thiêng để cầu xin tình duyên.

Sự linh ứng của am

Ông Đồng mới lên làm thủ nhang ở am được nửa năm nay. Từ ngày làm ở đây, ông Đồng chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện về sự linh ứng của am. "Người ta làm gì cũng lên xin Thánh Bà phù hộ, nhưng nhiều nhất vẫn là xin đường tình duyên. Sở dĩ tôi biết được điều này vì nhiều người sau đó đã quay trở lại lễ tạ", ông nói.

Ông Đồng cũng không ghi chép vào sổ sách cụ thể, "bởi có người đến nhờ tôi khấn hộ thì tôi sẽ ghi lại tên tuổi, địa chỉ, còn nhiều người khác thì tự xin. Tuy nhiên, trước khi làm lễ họ cũng có hỏi tôi cách xin tình duyên như thế nào, cách xin đồng âm dương ra sao. Vì thế nên tôi biết có nhiều người xin tình duyên lắm. Cũng có người thì đi xin tình duyên cho con cháu. Chẳng riêng gì ở Hà Nội mà ngay cả Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, thậm chí có khi người trong miền Nam ra chơi, biết về am cũng sang nhờ tôi xin tình duyên hộ".

Ông Đồng cũng nhớ mãi một trường hợp đã được ông xin tình duyên hộ và đã thành công. Ấy là vào dịp tháng ba vừa qua, chị Nguyễn Bích Hà (27 tuổi, nhà ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) sang nhờ ông khấn xin đường tình duyên. Chuyện là chị yêu anh Cường hơn chị hai tuổi được 4 năm. Còn một tháng nữa thì hai người làm lễ cưới thì đúng thời điểm ấy, anh Cường đòi chia tay chị để lấy người khác. Quá đau khổ, suy sụp, chị Hà tìm đến am Mỵ Châu.
 

"Tôi làm lễ cho cô ấy xong, xin âm dương một đài là được luôn. Đúng một tuần sau, cô ấy quay lại, đi cùng cậu thanh niên và giới thiệu với tôi, đó chính là anh Cường, người yêu sắp cưới. Cô quay lại để tạ Thánh Bà đã linh ứng lời cầu khẩn của mình", ông Đồng kể lại, không giấu được niềm vui.

Hỏi về "tích cầu duyên" ở am, ông Đồng xua tay "chẳng có tích gì cả". Rồi ông tiếp lời, phỏng đoán: "Có thể vì câu chuyện tình cảm sắt son, chung thủy của nàng Mỵ Châu cùng Trọng Thủy khi xưa đã khiến bao người cảm động, tin tưởng rằng đến nơi đây cầu duyên sẽ được linh ứng. Cứ thế, một đồn mười, người ta đổ về đây mong kiếm tìm hạnh phúc".

Sự linh ứng của am Mỵ Châu trong chuyện tình duyên như thế nào thì chỉ những người trong cuộc mới tường tận. Có điều, tôi xin trích lời ông thủ nhang Nguyễn Văn Đồng để làm đoạn kết cho bài viết này: "Hạnh phúc của mỗi người một phần lớn do chính họ tạo nên. Vì thế, hãy dùng chính sợi dây của tình yêu thương, sự sẻ chia, lòng chung thủy để gắn kết tình cảm vợ chồng, tình yêu đôi lứa. Khi mà tình cảm không xuất phát từ trái tim thì chẳng có thần thánh nào giúp được họ. Bởi thần thánh là ở chính cái tâm của mỗi người".

 

"Tục thờ đá xuất hiện từ hàng trăm năm nay trên thế giới, trong đó có Việt Nam, bởi người ta vẫn quan niệm rằng đá là vật thiêng. Trong trường hợp này, vì phiến đá gắn với không gian Thục An Dương Vương và tích truyện Mỵ Châu nên người ta đã hội nhập các yếu tố văn hóa và tự nhiên với nhau để nó "có hồn" hơn. Thực chất, các phiến đá trong tự nhiên thường chỉ có hình thế của chiếc ghế, chiếc ngai hơn là dáng người. Tôi cũng khẳng định rằng, trong lịch sử, chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy không phải là biểu trưng cho tình yêu. Không có cái lý nào như thế cả. Đó chỉ là một sự nhắc nhở, một bài học của lịch sử rằng chúng ta hãy luôn đề cao cảnh giác với kẻ thù, không được lơ là, chủ quan trong an ninh quốc gia cũng như là trong đời sống thường nhật. Còn việc người ta sang đó cầu duyên thì chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi".


Ông Trần Lâm Biền (nhà nghiên cứu di sản văn hóa)

Thanh Dương (Kiến thức)