Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ngày 23/12, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường Trần Hồng Hà lên tiếng cảnh báo về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tầng nước mặt những con sông nội thành Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo quốc tế về cải tạo, khắc phục ô nhiễm và khôi phục cảnh quan môi trường lưu vực sông được tổ chức tại Hà Nội cùng ngày, Thứ trưởng cho biết thêm rằng lượng chất rắn hòa tan đo được tại các điểm quan trắc đều cao hơn tiêu chuẩn nước thải sinh hoạt.
Vào mùa khô, mức độ ô nhiễm tại các con sông này càng trở nên trầm trọng hơn. Kết quả các đợt quan trắc năm 2007 cho thấy nồng độ amoni rất cao, dao động trong khoảng 3,2mg/l đến 66,4mg/l. Đặc biệt, nồng độ coliform đo được vượt tiêu chuẩn Việt Nam nhiều lần, dao động trong khoảng 4500-55.000 MPN/100ml.
Nghiên cứu mới nhất được Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên&Môi trường) thực hiện ở lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy, nơi hiện có khoảng 10 triệu người sinh sống. Tổng lượng nước của hai con sông này hàng năm khoảng 28,8 tỷ m3.
Nhiều đoạn sông, đặc biệt là các đoạn chảy qua các đô thị lớn, bị ô nhiễm nặng bởi các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, mùi hôi, độ màu và vi khuẩn hứng chịu từ nguồn nước thải sinh hoạt, công nghiệp chưa được xử lý và nước tiêu nông nghiệp đổ vào.
Kết quả thanh tra tình hình bảo vệ môi trường của các cơ sở công nghiệp trong lưu vực hai sông này năm 2006 cho thấy trong số 141 cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì có tới 119 cơ sở thải nước. Trong số này chỉ có 75 cơ sở có thực hiện xử lý nước thải và chỉ 11 cơ sở xử lý đạt tiêu chuẩn Việt Nam.
Cũng theo Bộ Tài nguyên&Môi trường, mặc dù đã tăng cường kiểm tra, xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và công khai thông tin về tình hình ô nhiễm, các doanh nghiệp gây ô nhiễm nhưng do mức phạt còn quá nhẹ nên chưa phát huy được hiệu quả.
Bộ cũng đề xuất nhiều giải pháp khẩn cấp để bảo vệ môi trường nước như tăng cường kiểm tra các cơ sở trên lưu vực sông, rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh, thành phố, đẩy nhanh tiến độ cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt riêng cho các đô thị và khu dân cư; xây dựng kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu khơi thông dòng chảy, tăng khả năng tự làm sạch của dòng sông cũng sẽ được tiến hành song song.
Tại hội thảo, các chuyên gia Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã chia sẻ nhiều kinh nghiệp về cải tạo, xử lý môi trường.
(Theo Vietnam+)