Lại có một đám mây trắng thường che phủ ở trên chùa. Tất cả các núi ở đây như được bàn tay tạo hoá xếp đặt thành cảnh sơn thuỷ hữu tình thật đẹp và tên gọi đều gắn liền với tư duy của cư dân nông nghiệp. Cùng với sông Vàm, Đầm huyện và núi Ngưu Ngoạ, cũng được gọi là cống Ngưu Ngoạ, là những cửa sông nhỏ, chi lưu của sông Đá Bạc, nằm khuất nẻo. Khu vực này trước đây nằm trong chiến lược phòng thủ bảo vệ Đông Triều và vùng Đông Bắc thời Trần, những vùng đất được nhà Trần đặc biệt chú trọng để xây dựng thế trận phòng thủ là miền núi phía Bắc, Tây Bắc, ven biển Đông Bắc, phía Nam và vùng “đất căn bản” - quê hương của nhà Trần. Đó là vùng đất trọng yếu, nhà Trần không chỉ bảo vệ cẩn thận mà còn nhằm phát huy thế mạnh của vùng đất đó trong quá trình xây dựng đất nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Khu vực Yên Đức cũng được xem là nơi mà trước kia vua Trần Nhân Tông đã qua lại nhiều lần. Theo một số tài liệu, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba (năm 1288), quân dân Đông Triều đã ngăn chặn thành công đội kỵ binh quân Nguyên Mông do Trình Bằng Phi, Đạt Truật chỉ huy, đi theo đường bộ từ Vạn Kiếp dọc theo tuyến sông Kinh Thầy - Đá Bạc về Bạch Đằng để hộ tống đoàn binh thuyền của Ô Mã Nhi. Sử sách ghi, đội kị binh giặc bị chặn đánh dọc đường nên tiến rất chậm. Ngày 1 tháng 3 năm Mậu Tý (ngày 2-4-1288) đến chợ Đông Triều phải dừng lại… “Cuối tháng 3 năm 1288, từ căn cứ Vạn Kiếp, Thoát Hoan cho đạo thuỷ quân của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp rút lui trước. Trên bờ có đội kỵ binh hộ tống do hữu thừa Trình Bằng Phi và thiên tỉnh Đạt Truật chỉ huy. Dọc đường hành quân của kỵ binh giặc (có thể là đường quốc lộ 18 qua Đông Triều hiện nay), quân dân ta theo kế hoạch đã đề ra, khẩn trương phá huỷ cầu đường, bố trí quân mai phục chuẩn bị đón đánh làm chậm bước đi rồi buộc chúng phải quay trở lại Vạn Kiếp, tách rời đội kỵ binh khỏi đội binh thuyền.
Di tích chùa ngoạ Ngưu. |
Cầu bị phá, đường bị chặt từng đoạn, lại bị đón đánh liên tục, đội kỵ binh của địch hành quân rất khó khăn, chậm chạp. Ngày 4, đến chợ Đông Triều, không qua được sông, chúng rất sợ quân ta tập kích. Ngay đêm hôm đó, chúng tìm đường quay trở lại. Nhưng sợ đi đường cũ sẽ bị quân ta tiêu diệt nên bọn chỉ huy Trình Bằng Phi, Đạt Truật tìm đường tắt trở về Vạn Kiếp để kịp thời theo Thoát Hoan rút chạy về nước, mặc cho đoàn thuyền Ô Mã Nhi rút lui một mình trên sông nước, không có kỵ binh hộ tống và yểm hộ...”. Điều đáng chú ý là sự kiện trên không có trong chính sử cũ của ta mà chỉ được ghi trong An Nam chí lược của Lê Trắc (tên Việt gian đương thời đầu hàng quân Nguyên). Mặc dầu còn quá sơ lược không cho ta biết rõ diễn biến cụ thể của những trận đánh chặn địch, song điều ghi chép của Lê Trắc cũng nói lên nghệ thuật tài tình của quân dân ta: Không tốn sức nhiều mà cả đội kỵ binh địch mới đi được hơn vài mươi dặm đã phải quay trở lại, bỏ mặc cả đạo binh thuyền Ô Mã Nhi đang chật vật trên dòng sông, nguy hiểm và cô lập. Thắng lợi của những trận đánh chặn địch từ Vạn Kiếp đến Đông Triều là đã tách rời đoàn thuyền Ô Mã Nhi khỏi đội kỵ binh hộ tống, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho chiến thắng Bạch Đằng sau đó…
Ít có tài liệu sử sách nào nhắc đến dấu tích còn lưu lại tại vùng núi Ngoạ Ngưu, nhưng theo khảo sát thực tế thì hiện nay tại khu vực này vẫn còn lại là phế tích với cấp nền bằng phẳng nằm trên gò đất cao, tồn tại những bó vỉa đá bao quanh khu vực nền kiến trúc (diện tích khoảng 30mx10m), cùng với đó là những chân tảng, cấu kiện kiến trúc bằng đá xanh hay vật liệu kiến trúc (chân tảng, số lượng 2, kích thước 45x45x10cm, đường kính thân cột 40cm; cấu kiện đá 70x40x15cm - Loại hình ngói mũi sen không trang trí và trang trí hoa văn nổi ở trước mũi ngói hay loại hình mảng trang trí kiến trúc có hoa văn trên bề mặt) trôi dạt xuống khu vực phía dưới. Nhân dân trong vùng có dựng ở khu vực phía dưới chân của cấp nền kiến trúc một ngôi miếu nhỏ vào thời Nguyễn. Miếu được xây dạng mái hình vòm trong có bệ thờ được xây gồm một cấp, trên bệ đặt thờ tượng mẫu, hai thị giả và sơn thần, phía dưới chân bệ có đặt thờ tượng hổ đá. Như vậy tại vùng núi này cùng với sự kiện lịch sử vẻ vang của quân dân nhà Trần thì nơi đây còn tồn tại một kiến trúc (theo Dư địa chí) có ý nghĩa trong việc thờ tự, đó có thể là kiến trúc một ngôi chùa, gọi là Ngoạ Ngưu tự. Nằm ở địa thế phong thuỷ, mặt trông ra đầm nước dân gian gọi là cống Ngoạ Ngưu. Theo Đông Triều huyện phong thổ ký thì: “Con sông lớn ở xã Chí Linh tổng An Kỳ tục gọi là sông con Mèo, giữa dòng sông có núi đá như hình con mèo. Lại có ngôi chùa trên núi đá tên là chùa Ngoạ Ngưu”. Đây được coi là vùng đất hiểm yếu mà quân dân nhà Trần tận dụng để hỗ trợ cho trận đánh lịch sử tại sông Bạch Đằng 1288. Hình ảnh của vùng đất Đông Triều trong chiến dịch Bạch Đằng 1288 còn được nhắc đến trong thơ văn lịch sử, cụ thể trong Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu:
“Qua cửa Đại Than,
ngược bến Đông Triều,
Đến sông Bạch Đằng,
thuyền bơi một chiều.
Bát ngát sóng kình muôn dặm,
Thướt tha đuôi trĩ một màu.
Nước trời một sắc, phong cảnh ba thu.
Bờ lau san sát, bến nước đìu hiu”
Cùng với cụm di tích vườn Thiên Long Uyển và Tam Bảo địa tại khu vực này sẽ là sự bổ sung cần thiết trong quần thể di tích nhà Trần tại Đông Triều. Phản ánh sự kiện một thời dựng nước và giữ nước hào hùng của quân dân nhà Trần tại vùng đất Yên Đức nói riêng và Đông Triều nói chung. Để bảo tồn và phát huy giá trị của cụm di tích này trong thời gian tới cần có những phương án cấp thiết trong việc khoanh vùng cắm mốc, khai quật khảo cổ học, quy hoạch, lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia đối với cụm di tích nhà Trần này tại Đông Triều.
(1) Bạch Đằng Giang Phú của Trương Hán Siêu, theo bản dịch trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, t.II, HN: Văn hoá, 1962, tr.36. Những trang sau, khi trích dẫn bài phú này, chúng tôi dùng bản dịch trên.
Nguyễn Trung Dũng
(Ban Quản lý các Di tích trọng điểm Quảng Ninh)