Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Định danh được loài cá dữ tấn công người ở Quy Nhơn
(11:12:16 AM 15/07/2012)
(Tin Môi Trường) - Cá mập là nhóm đối tượng tấn công người ở vùng biển Quy Nhơn. Cụ thể, cá mập thâm (Carcharhinus limbatus) là đối tượng có khả năng tấn công nạn nhân Mang Đức Hạnh ngày 9/1/2010; cá mập mắt to (Carcharhinus amboinensis) đã tấn công nạn nhân Nguyễn Quang Huynh ngày 18/7/2009 và loài cá mập sọc trắng (Carcharhinus amblyrhynchoides) có khả năng là thủ phạm gây ra 8 vụ tấn công người tắm biển khác.
Trên đây là kết quả xác định của Viện Hải dương học (Viện KH-CN Việt Nam) qua đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học của hiện tượng cá dữ tấn công người tắm biển tại vùng biển ven bờ Quy Nhơn và đề xuất các giải pháp phòng ngừa”.
Theo kết quả nghiên cứu, trong thời gian 2 năm từ 2009-2010 đã xảy ra ít nhất là 10 vụ cá dữ tấn công người. Kiểm tra và đo đạc vết thương trên các nạn nhân bị cá dữ tấn công ở vùng biển Quy Nhơn cho thấy, các chi là bộ phận cơ thể thường bị cá dữ tấn công nhất và các vết thương hầu hết có hình vòng cung, các dấu răng tạo đều tạo thành vết dài.
Các nhà khoa học Viện Hải dương học đang nghiên cứu mẫu cá dữ tấn công người bị bắt (Ảnh: Võ Sĩ Tuấn)
PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Phó viện trưởng Viện Hải dương học cho biết, hành vi tấn công người tắm của cá dữ ở vùng biển Quy Nhơn (Bình Định) trong những năm qua chủ yếu thuộc vào 2 kiểu là tông nạn nhân và người xung quanh rồi cắn và bất ngờ tấn công nạn nhân. Đây cũng là 2 trong 3 kiểu tập tính cá mập tấn công người đã được các nhà khoa học trên thế giới mô tả. Nguyên nhân của hiện tượng cá dữ tấn công người ở vùng biển Quy Nhơn và lân cận là do loài cá này có thể vào gần bờ khi có điều kiện thuận lợi thu hút về nơi cư trú và thức ăn. Ngoài ra, một số vụ tấn công cũng có thể liên quan đến tập tính vào bờ để sinh sản, nhất là với cá mập sọc trắng với mùa đẻ tập trung có thể từ tháng 6 - 9 hàng năm. Có khả năng khu vực này là bãi đẻ của nhiều loài cá nhám/mập.
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất việc xây dựng các trạm cảnh báo và cứu hộ, dùng lưới chắn kín các bãi tắm kết hợp bố trí giàn câu chặn cá mập đi vào trong bãi tắm.
Đề tài trên là nhiệm vụ KH-CN cấp thiết mới phát sinh ở địa phương do Viện Hải dương học (Viện KH-CN Việt Nam) chủ trì, thực hiện từ tháng 8/2010 đến tháng 4/2012. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước tiến hành nghiệm thu vào sáng 13/7 tại Hà Nội.